SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát hàm lượng Flavonoid toàn phần và hoạt tính chống oxy hóa của cao Ethanol chiết từ hoa chiều tím

[28/03/2024 12:03]

Các gốc tự do được tạo ra từ tế bào và có nguồn gốc khi cơ thể chuyển hoá thức ăn hoặc phản ứng với môi trường bên ngoài. Các yếu tố khiến gia tăng sản xuất các gốc tự do có thể có nguồn gốc nội sinh, như phản ứng viêm, hoặc có nguồn gốc ngoại sinh như ô nhiễm, tiếp xúc với bức xạ tia cực tím và thuốc lá. Nếu cơ thể không thể loại bỏ các gốc tự do một cách hiệu quả có thể gây nên những tác hại nguy hiểm. Điều này có thể gây thương tổn các tế bào và chức năng cơ quan dẫn đến các bệnh về tim mạch, suy giảm miễn dịch, viêm khớp, đột quỵ và bệnh ung thư. Trong những năm gần đây, các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên được chế biến từ hoa lá, cây cỏ, … có khả năng loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể nên đang được quan tâm nhiều bởi các nhà nghiên cứu và người tiêu dùng.

Cây chiều tím (Ruellia simplex C. Wright) có nguồn gốc từ Mexico, vùng Caribe và Nam Mỹ. Cây chiều tím có tốc độ sinh trưởng nhanh, khỏe, ưa sáng hoặc bóng bán phần. Cây chiều tím có hoa đẹp, nên được trồng ở các bồn hoa, trồng dưới góc cây bóng mát để trang trí trong sân vườn, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường và thanh lọc không khí khá tốt

Trên thế giới đã có một số công trình nghiên cứu về hoạt tính sinh học của cây chiều tím. Theo đó, cao nước và cao n-butanol từ cây chiều tím có khả năng làm thuốc hỗ trợ tim mạch trên thỏ. Cao ethyl acetate từ hoa chiều tím có khả năng dùng làm chất chống oxy hóa tốt. Ngoài ra, cao ethanol, cao ethyl acetate còn có tiềm năng dùng làm chất chống ung thư. Tại Việt Nam, công trình nghiên cứu chuyên sâu về hoạt tính sinh học của cây chiều tím nói chung và từng bộ phận của cây chưa được ghi nhận. Vì vậy, việc nghiên cứu khả năng chống oxy hóa của hoa chiều tím là rất cần thiết, nhằm tạo tiền đề nghiên cứu chế tạo sản phẩm từ thiên nhiên có tác dụng hạn chế gốc tự do, cải thiện sức khỏe và đồng thời cũng góp phần khẳng định giá trị khoa học của loài hoa này.  

1. Nguyên liệu và thiết bị

Mẫu thực vật được dùng trong đề tài là cánh hoa chiều tím, được thu hái tại phường An Hòa, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Mẫu được chọn là cánh hoa tươi (đã loại bỏ nhụy hoa và cuống hoa), không sâu bệnh. Một số thiết bị được sử dụng trong đề tài là máy đo quang phổ UV-Vis (Libra S60PC), tủ sấy (Memmert UN110), máy đo pH (Hanna HI2211), máy cô quay chân không (RE-52CS-1) và cân phân tích (Ohaus PA214). Một số hóa chất được sử dụng bao gồm ethanol 99.5o, HCl 37-38% (w/w), KCl 99.9%, CH3COOH, AlCl3, DPPH, ascorbic acid, NaOH, FeCl3, (CH3COO)2Pb, (CH3CO)2O, H2SO4 có xuất xứ Trung Quốc.

2. Khảo sát độ ẩm

Độ ẩm được xác định dựa trên sự giảm trọng lượng của sản phẩm khi sấy ở nhiệt độ 105°C đến khối lượng không đổi. Sự hiện diện của một số nhóm hợp chất tự nhiên trong hoa chiều tím được xác định theo các phản ứng tạo màu.

3. Khảo sát định tính một số nhóm hợp chất tự nhiên trong hoa chiều tím

Một số nhóm hợp chất tự nhiên được định tính bao gồm steroid, alkaloid, flavonoid, terpenoid, tanin, saponin. Thuốc thử và phương pháp định tính.

4. Phương pháp điều chế cao

Hoa chiều tím sau khi thu hái, được loại bỏ cuống và nhụy hoa và sấy khô ở 60°C. Hoa khô được ngâm dầm trong ethanol, tỷ lệ khối lượng hoa : thể tích dung môi là 1 : 15 (g/mL). Sau 24 giờ, lọc lấy dịch chiết và cô quay dưới áp suất thấp thu hồi dung môi và thu được cao ethanol thô. Quy trình điều chế cao hai loại cao ethanol (cao E96 và cao E80) từ hoa chiều tím được thực hiện và có một số cải tiến. Hiệu suất thu hồi cao chiết được tính là tỷ lệ % theo khối lượng của cao thu được thu được so với khối lượng hoa khô ban đầu. Chỉ tiêu theo dõi: tính chất, màu sắc, mùi và hiệu suất thu hồi của hai loại cao.

H (%) = (mcao/mnlk) x 100

Trong đó: H là hiệu suất thu hồi cao (%); mcao là khối lượng của cao ethanol thu được (gam); mnlk là khối lượng hoa khô ban đầu (gam).

5. Phương pháp định lượng flavonoid

Pha loãng các mẫu cao chiết bằng methanol để đạt nồng độ 1 mg/mL và dung dịch chuẩn quercetin (QE) ở các nồng độ 25; 50; 75; 100; 125; 150 μg/mL. Độ hấp thu (Abs) của dung dịch sau phản ứng được đo ở bước sóng 510 nm ở nhiệt độ phòng. Hàm lượng flavonoid toàn phần được biểu diễn theo miligram đương lượng quercetin trên 1 g cao chiết (mg QE/g cao chiết), được tính theo công thức:

P = C.V/m

Trong đó: P: tổng hàm lượng flavonoid (mg QE/g cao chiết); C: giá trị x từ đường chuẩn với QE (μg/mL); V: thể tích dung dịch chiết (mL); m: khối lượng cao chiết có trong thể tích V (g).

6. Phương pháp khảo sát khả năng chống oxy hóa

Khả năng kháng oxy hóa của hai mẫu cao chiết. Các chất chống oxy hóa có khả năng trung hòa gốc DPPH tự do tạo thành sản phẩm khử DPPH-H, dung dịch phản ứng sẽ chuyển từ màu tím sang màu vàng cam, làm giảm độ hấp thụ quang của dung dịch. Pha loãng các mẫu cao chiết bằng methanol ở các nồng độ 0,04; 0,08; 0,12; 0,16; và 0,20 mg/mL. Độ hấp thụ màu của dung dịch sau phản ứng được đo ở bước sóng 517 nm ở nhiệt độ phòng. Chất chuẩn đối chứng là ascorbic acid. Khả năng kháng oxy hóa được xác định bởi phần trăm quét gốc tự do: SC%=(ODtrắng - ODmẫu)/(ODtrắng) (%).

7. Kết luận

Theo kết quả nghiên cứu, thành phần hóa học của hoa chiều tím có chứa một số nhóm hợp chất tự nhiên bao gồm flavonoid, alkaloid, tanin và terpenoid; không chứa steroid và saponin. Hai loại cao ethanol (cao E96 và cao E80) được điều chế từ hoa chiều tím có hàm lượng flavonoid toàn phần lần lượt là7,13 và0,98 mg QE/g cao chiết. Phần trăm ức chế 50% gốc tự do DPPH (IC50) của cao E96 và E80 lần lượt là 0,089 và 0,242 mg/mL. Chất chuẩn đối chứng là acid ascorbic (IC50=0,02 mg/mL). Theo kết quả này, cao E96 và cao E80 từ hoa chiều tím đều có chứa các hợp chất có khả năng trung hòa gốc tự do DPPH ở mức trung bình đồng thời cao E96 thể hiện khả năng trung hòa gốc tự do DPPH tốt hơn cao E80 2,72 lần.

Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp (tập 13, số 2, năm 2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ