Nghiên cứu quy trình trích ly dịch chiết thô lá chuối già (Musa paradisiaca L.) và khảo sát hoạt tính sinh học của dịch chiết đối với sâu tơ (Plutella xylostella)
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác Nguyễn Thị Việt Huỳnh1, Huỳnh Tuyết Đào, Nguyễn Quốc Châu Thanh, Nguyễn Trọng Tuân, Hồ Ngọc Tri Tân và Đặng Huỳnh Giao thuộc Trường Bách Khoa và Khoa Khoa học tự nhiên, Đại học Cần Thơ.
Việt Nam được biết đến với nền nông nghiệp phát triển, đa dạng về nông sản và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm thương mại. Tuy nhiên, nền nông nghiệp nước ta mỗi năm lại chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng do sự mất kiểm soát các sâu bọ gây bệnh, hại cây trồng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho người nông dân. Trong đó, phải kể đến là sự tấn công của sâu tơ – một trong những loại sâu hại rau gây thiệt hại nặng trong sản xuất rau màu ở nước ta. Nhằm xử lý nhanh chóng và hiệu quả, các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học được nông dân lựa chọn. Điều này không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, môi trường mà còn làm gia tăng tình trạng kháng thuốc ở sâu hại. Ngày nay, việc sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học và bảo vệ các loài thiên địch tự nhiên vẫn luôn được nghiên cứu, triển khai ở nước ta, đặc biệt là việc tìm kiếm nghiên cứu các loại nguyên liệu mới có khả năng phòng trừ sâu hại. Hoạt chất Azadirachtin từ dịch chiết lá và hạt cây xoan Ấn Độ (Neem) đã được chứng minh có khả năng phòng trừ sâu tơ, bọ trĩ, rầy nâu (Tuấn, 2002).
Bên cạnh đó, khả năng gây ngán ăn đối với sâu xanh bướm trắng (Pieris rapae) từ dịch chiết từ lá kinh giới và hạt gấc đã được báo cáo (Hòa và ctv., 2011). Ngoài ra, một nghiên cứu đã cho thấy protein ức chế enzyme tiêu hóa proteinase (PPIs) từ hạt gấc cho khả năng phòng trừ sâu hại. Dịch chiết từ hoa cúc ngải vàng (Tanacetum sp.) có khả năng tiêu diệt sâu khoang (Pavela et al., 2010). Thêm vào đó, dịch chiết từ lá xoan khô (Melia azedarach L.) cũng được chứng minh có tác dụng phòng trừ một số sâu hại nông nghiệp và lâm nghiệp như sâu xanh ăn lá trầm (Heortia vitessoides Moore) (Bắc & Thanh, 2014). Dịch chiết từ lá cây đậu dầu với hiệu lực đạt 96,97% ở nồng độ 1,2% sau 3 ngày xử lý trong điều kiện phòng thí nghiệm có khả năng phòng trừ sâu kéo màng (Hellula undalis Fabricius) và rệp cải (Rhopalosiphum pseudobrassicae) (Hòa & Trường, 2014). Đặc biệt, dịch chiết từ hạt bình bát có khả năng phòng trừ rệp muội và bọ xít muỗi (Tuyến & Lượng, 2013). Từ đó, nguồn nguyên liệu để sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật hay các chế phẩm sinh học là vô cùng tiềm năng và đa dạng.
Chuối già (Musa paradisiaca L.) là một loại cây cho quả tiêu thụ nhiều trên thế giới, chuối già sống chủ yếu ở vùng nhiệt đới, quả chuối được tiêu thụ như một thực phẩm cung cấp năng lượng hằng ngày (Ighodaro, 2012). Theo các nghiên cứu đã được công bố cho thấy các bộ phận của chuối già như rễ, hoa, lá được sử dụng cho mục đích y học. Ví dụ, điều trị vết thương mới, vết cắt và côn trùng cắn từ nước ép lá chuối già (Onyenekwe et al., 2013). Thuốc phun tẩy giun sán được làm từ dịch chiết của rễ cây chuối già, nhựa của cây chuối già được dùng để chữa bệnh tiêu chảy, bệnh kiết lỵ, chứng cuồng loạn và bệnh động kinh (Okareh et al., 2015). Một chất truyền lạnh từ rễ để điều trị các bệnh thiếu máu và bệnh da liễu. Trái chuối già được dùng làm thuốc kích thích tình dục, thuốc chống nôn ói. Các nhà y học cổ truyền ở Nigeria đã sử dụng nước sắc của lá chuối già để điều trị bệnh loét hoặc đau dạ dày, bệnh tiêu chảy, bệnh sốt rét. Karadi et al. (2011) đã nghiên cứu hoạt động của chiết xuất lá chống lại Staphylococcus aureus, Escherichia coli và Pseudomonas aeruginosa (Karadi et al., 2011). Trong cùng năm đó, Sahaa et al. (2013) đã nghiên cứu hoạt động kháng khuẩn của dịch chiết lá chuối già chống lại Shigella dysenteriae, Salmonella typhi và Bacillus cerus. Qua nghiên cứu của Chinweizu Ejikeme Udobi, các hợp chất hoạt tính sinh học được tìm thấy trong lá cây chuối già bao gồm alkaloid, tannin, flavonoid, glycosid tim, saponin, đường deoxy và cacbohydrat (Asuquo & Udobi, 2016). Một trong những hợp chất đó là alkaloid với các công dụng như chống oxy hóa, chống sốt rét, chất chống côn trùng, bảo vệ cây (Hương & Bạch, 2017). Do đó, nghiên cứu đặt ra giả thuyết có hay không hoạt tính sinh học từ dịch chiết thô lá chuối già trong phòng trừ sâu tơ. Để chứng minh giả thuyết trên, nghiên cứu này đã tập trung khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quy trình trích ly dịch chiết thô lá chuối già và khảo sát hoạt tính sinh học của dịch chiết đối với sâu tơ. Từ đó tạo ra một chế phẩm sinh học mới với khả năng phòng trừ sâu tơ có nguồn gốc sinh học, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Qua quá trình nghiên cứu, có thể kết luận nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình trích ly dịch chiết thô lá chuối già thông qua phương thức ngâm trích. Trong quá trình xây dựng nghiên cứu đã khảo sát và đưa ra điều kiện tối ưu nhất. Nguyên liệu đã qua xử lý được ngâm trong dung môi ethanol 99% với tỉ lệ pha rắn – lỏng là 1:5 và thời gian ngâm là 24 h. Bên cạnh đó, alkaloid trong dịch chiết thô lá chuối già đã được định tính bằng phương pháp hóa học với thuốc thử Dragendorff, Wagner, Mayer chứng minh rằng có sự hiện diện của alkaloid. Và khi định tính bằng phương pháp hiện đại là sắc ký khí ghép phối phổ (GC – MS) đối với cao chiết lá chuối già cũng khẳng định được sự có mặt của alkaloid trong cao chiết cụ thể là hợp chất Piperidine. Ngoài ra, hoạt tính sinh học của dịch chiết thô lá chuối già cũng được khảo sát trên sâu tơ (sâu khỏe, không dị tật) bằng cách phun trực tiếp dịch chiết với nồng độ 30 g/L trong điều kiện môi trường thích hợp nhiệt độ khoảng 28-29℃, thời tiết mát mẻ, thông thoáng thì sau 35 phút kể từ lúc phun số sâu chết hoàn toàn. Từ đó, cho thấy dịch chiết lá chuối già đạt hiệu quả cao trong việc xử lý sâu tơ.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 3A (2023): 1-7.