Sự lưu hành và đề kháng kháng sinh của vi khuẩn Pasteurella multocida phân lập từ dê nuôi tại thành phố Cần Thơ
Hiện nay, các nghiên cứu về P. multocida đã được thực hiện trên các loài động vật, nhưng các báo cáo trên dê vẫn còn rất ít, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như tại Việt Nam.
Do đó, kết quả nghiên cứu về kháng thuốc và sự hiện diện của các gene đề kháng kháng sinh trên P. multocida được phân lập từ dê trong nghiên cứu này có thể cung cấp những thông tin cần thiết cho người chăn nuôi, cơ quan quản lý về tình hình dịch bệnh cũng như tăng cường quản lý và sử dụng kháng sinh hiệu quả trong phòng và điều trị bệnh do P. multocida gây ra.
Tổng số 289 mẫu dịch mũi được thu thập từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2023 để xác định tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Pasteurella multocida trên đàn dê nuôi tại một số trại chăn nuôi quy mô vừa ở Thành phố Cần Thơ. Có 143 mẫu, chiếm 49,48%, dương tính với P. multocida. Từ 143 mẫu dương tính, có 64 chủng được chọn để kiểm tra tính nhạy cảm với kháng sinh bằng phương pháp khuyếch tán đĩa thạch. Kết quả cho thấy vi khuẩn còn nhạy cảm với 6/7 loại kháng sinh được khảo sát, đặc biệt là doxycycline (100%); tuy nhiên, các chủng này đã đề kháng cao với ampicillin chiếm 53,13%. Có 9 kiểu hình kháng thuốc được ghi nhận (60,94%), phổ biến nhất là ampicillin và ampicillin + amoxicillin/clavulanic acid chiếm 23,44%. Sử dụng kỹ thuật PCR để phát hiện gene đề kháng kháng sinh, kết quả cho thấy sulII được phát hiện nhiều nhất chiếm 67,19%. Tổng số 11 kiểu gene đề kháng được phát hiện ở 54 chủng chiếm 84,38%, và aadB + sulII là kiểu ghép gene phổ biến nhất chiếm 23,44%. Do đó, sự hiện diện và tính nhạy cảm với kháng sinh của P. multocida ở dê cần được kiểm soát nhằm để bảo vệ sức khỏe của dê và ngăn ngừa sự lây lan mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi.
Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển, Số 1 - 2024 (ntbtra)