Phát hiện 16 loài ong ký sinh mới ở Việt Nam
Phát hiện này giúp tăng 30% số lượng loài ong ký sinh đã biết trên toàn thế giới.
16 loài mới được phát hiện. Chúng rất nhỏ, với chiều dài cơ thể từ 2–5 mm, nhỏ hơn cục tẩy trên đầu bút chì. Ảnh: Đại học Kyushu
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Kyushu và Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Việt Nam đã phát hiện mới 16 loài Loboscelidia, một nhóm ong ký sinh có hình dáng kỳ lạ.
Các nhà khoa học cũng báo cáo về hành vi ký sinh độc đáo của một con cái thuộc loài Loboscelidia squamosa, họ quan sát thấy nó đào một cái hố dưới đất để giấu trứng của vật chủ.
Những phát hiện này đã được công bố trong bài báo Taxonomic revision of the genus Loboscelidia Westwood, 1874 (Hymenoptera: Chrysididae: Loboscelidiinae) from Vietnam được đăng tải trên tạp chí European Journal of Taxonomy.
Chúng ta từ lâu vẫn quen thuộc với những loài ong bắp cày săn mồi như ong vàng, với các sọc đen và vàng rực rỡ, cùng những vết chích đau đớn, nhưng thực chất ong ký sinh mới là loài chiếm đa số trong các loài ong bắp cày. Chúng thường rất nhỏ (ong Loboscelidia có chiều dài cơ thể từ 2–5 mm, nhỏ hơn cục tẩy trên đầu bút chì) và mặc dù không được con người chú ý nhưng chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa hệ sinh thái.
"Ong ký sinh sống ký sinh trên các loài côn trùng khác”, phó giáo sư Toshiharu Mita thuộc Khoa Nông nghiệp của Đại học Kyushu, người đứng đầu nghiên cứu, chia sẻ trong thông cáo của ĐH Kyushu. “Chúng đẻ trứng vào trong hoặc trên cơ thể - thậm chí là trong trứng - của vật chủ, cuối cùng giết chết vật chủ".
Bất chấp tầm quan trọng về mặt sinh thái của chúng, các nhà khoa học có rất ít thông tin về nhiều nhóm ong ký sinh, bao gồm cả Loboscelidia. Nghiên cứu trước đây về nhóm sinh vật này gợi mở rằng chúng ký sinh trên trứng của bọ que.
“Loboscelidia được phát hiện lần đầu tiên vào khoảng 150 năm trước, nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu rõ đặc điểm sinh học của chúng. Đây là nghiên cứu đầu tiên quan sát hành vi ký sinh của chúng,” tác giả thứ nhất, TS Yu Hisasue, cho biết. Khi là nghiên cứu sinh, Hisasue từng được phó giáo sư Mita hướng dẫn.
Mita, Hisasue cùng với đồng nghiệp của họ, TS Phạm Hồng Thái thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), đã tiến hành khảo sát thực địa tại sáu địa điểm trên khắp Việt Nam, gồm Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Ba Bể (Bắc Kạn), Cúc Phương (Ninh Bình), Hương Sơn (Hà Tĩnh), Tây Yên Tử (Bắc Giang), Đại Lãnh (Nha Trang). Họ đặt bẫy và sử dụng lưới để bắt những con ong ký sinh nhỏ bé.
Một lần nọ, họ đã bẫy được một con cái còn sống thuộc một trong những loài mới - Loboscelidia squamosa. Họ thả nó vào một thùng nhựa chứa đất và đặt một quả trứng của bọ que vào trong. Con ong cái chọc thủng quả trứng, đẻ trứng của chính mình vào bên trong rồi tìm nơi chôn trứng ký sinh. Nó dùng đầu đào một cái hố, đặt quả trứng của vật chủ vào đó và lấp đất lại.
Loạt ảnh ghi lại khoảnh khắc một con ong cái thuộc loài Loboscelidia squamosa đẻ trứng vào bên trong một quả trứng bọ que trước khi mang đi chôn xuống đất. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học ghi nhận hành vi ký sinh này. Ảnh: Đại học Kyushu
Hành vi ký sinh này rất phức tạp, tương tự như hành vi xây tổ được thấy ở những con ong săn mồi. Do đó, các nhà nghiên cứu tin rằng việc nghiên cứu sâu hơn có thể giúp làm sáng tỏ cơ chế của những hành vi phức tạp ở các loài ong khác. Nó cũng có thể giúp giải thích cấu trúc đầu độc đáo của ong Loboscelidia, rất có thể cấu trúc này giúp việc đào hố dưới đất thuận lợi hơn.
Đến cuối cuộc khảo sát thực địa, các nhà khoa học đã thu thập được 70 cá thể từ nhóm loboscelidia, chụp những bức ảnh cận cảnh có độ phân giải cao về từng con ong. Một đặc điểm khác thường của loài ong, đó là sự tồn tại của các sợi lông ở phía sau đầu và trên cơ thể chúng. Mỗi loài lại có sự phân bố và mật độ lông trên cơ thể khác nhau.
Tổng cộng, các nhà khoa học đã xác định được 16 loài mới, nâng số lượng loài ong ký sinh đã biết trên toàn thế giới lên tới 67.
16 loài mới gồm Loboscelidia bachmaensis sp. nov., L. barbata sp. nov., L. cilia sp. nov., L. convexa sp. nov., L. cucphuongensis sp. nov., L. cuneata sp. nov., L. do sp. nov., L. flavipes sp. nov., L. glabra sp. nov., L. komedai sp. nov., L. mediata sp. nov., L. parallela sp. nov., L. piriformis sp. nov., L. squamosa sp. nov., L. vang sp. nov. và L. vietnamensis sp. nov.
“Ong Loboscelidia được cho là nhóm quý hiếm với số lượng loài ít, nhưng chỉ với một bước đột phá, chúng tôi đã tăng số lượng loài lên 30%”, ông Mita cho biết.
Điều quan trọng là mỗi loài thường được tìm thấy ở một khu vực rất hạn chế, thường chỉ ở một địa điểm thu thập. Điều này gợi mở khả năng là nhóm loboscelidia còn nhiều loài nữa, nhóm nghiên cứu vẫn có thể phát hiện thêm vào các đợt khảo sát thực địa tiếp theo. Tuy nhiên, nó cũng nêu bật tính dễ bị tổn thương của mỗi loài.
“Vì mỗi loài chỉ được tìm thấy ở một khu vực nhỏ nên bất kỳ sự biến đổi nào đối với môi trường sống của chúng đều có thể khiến loài đó biến mất mãi mãi”, Hisasue kết luận.