Nghiên cứu thu nhận tinh dầu và dịch đường từ lá Trầu (Piper betle)
Trong y học cổ truyền, lá Trầu được sử dụng làm nước súc miệng ở Ấn Độ và Thái Lan, điều trị các vấn đề về răng miệng, đau đầu, viêm khớp ở Malaysia, nước ép lá Trầu được dùng để điều trị các bệnh về da ở Sri Lanka.
Nghiên cứu được tiến hành để thu nhận tinh dầu lá Trầu và dịch thủy phân giàu đường từ bã lá Trầu, nhằm tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu. Tinh dầu lá Trầu được chiết xuất bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước, bã lá Trầu còn lại được thủy phân bằng enzyme để thu nhận dịch đường. Kết quả phân tích thành phần hóa học cho thấy lá Trầu chứa 2,23% đường khử tự do; 21,10% polysaccharide; 68,01 mg/g phenolic tổng số; 6,17 mg/g flavonoid tổng số; 12,05% tro và 1,63% tannin. Hàm lượng tinh dầu trong lá Trầu đạt 3,14% với các thành phần chính gồm eugenol (50,37%), γ-muurolene (9,65%) và α-copaene (8,22%). Tinh dầu lá Trầu thể hiện hoạt tính chống oxy hóa với IC50 = 0,13 mg/mL. Tinh dầu lá Trầu có tiềm năng sử dụng như chất kháng khuẩn với khả năng ức chế Escherichia coli, Samonella sp. và Bacillus cereus. Hàm lượng đường khử cao nhất đạt 10,66 g/L trong điều kiện thủy phân bã lá Trầu bằng Ultraflo Max với tỉ lệ enzyme/cơ chất là 5% trong 96 giờ, trong đó glucose chiếm 48,31%. Kết quả cho thấy dịch thủy phân bã lá Trầu có thể là nguồn cung cấp carbon cho các quá trình lên men nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị.
Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển, Số 1 – 2024 (ntbtra)