Nghiên cứu chế biến nước giải khát lên men từ quả sơ ri
Quả sơ ri (Malpighia glabraL.) thuộc họ Malpighiaceae. Sơ ri có thể trồng ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trên thế giới, sơ ri trồng nhiều ở các vùng Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Ở Việt Nam, sơ ri trồng phổ biến ở Nam Bộ, đặc biệt là Tiền Giang với diện tích trồng khoảng 950 ha, sản lượng trung bình 18.000 tấn/năm. Thành phần hóa học của quả tươi bao gồm: nước 87,5 - 92,3%; lipid 0,45 - 0,47%; protein 0,9 - 1,2%; đường khử 3,3 - 4,4%; đường tổng 4,3 ± 4,4%; cellulose 0,5 - 1,2%; tro 0,4 - 0,6%; K 146 mg%; vitamin C 600 – 1200 mg%; pH 3,4 - 3,7; hàm lượng chất khô hoà tan 7,7 - 9,2%.
Sơ ri chín có vỏ mỏng, khó vận chuyển và có thời hạn sử dụng ngắn 2 - 3 ngày sau khi hái, cùng với sản lượng lớn và thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ, thành phần kháng oxy hoá cao (đặc biệt là vitamin C). Trong nghiên cứu này, chúng tôi chế biến nước giải khát lên men từ loại quả này nhằm giải quyết vấn đề về nguồn nguyên liệu dư thừa sau thu hoạch, đồng thời tạo ra một dòng sản phẩn đồ uống có giá trị chức năng kháng oxy hoá, tăng cường miễn dịch, cải thiện sức khoẻ tim mạch.
Sản phẩm nước giải khát lên men từ quả sơ ri được chế biến từ dịch quả sau nghiền được xử lý pectinase ở hàm lượng 0,15% thời gian xử lý là 2 giờ; dịch quả sau xử lý được thanh trùng và điều chỉnh đạt các thông số sau: hàm lượng chất khô 18oBx, pH 4,0; tỉ lệ men giống bổ sung 0,20%; tiến hành lên men trong 3 ngày ở nhiệt độ phòng. Sản phẩm sau lên men được lọc tách bã, đóng chai và thanh trùng ở 75oC trong 10 phút. Sản phẩm thu được có hàm lượng chất khô 7,2 Bx, hàm lượng cồn 1,4% (v/v), hàm lượng vitamin C là 581,2 mg và pH là 3,1.
Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển, Số 1 – 2024 (ntbtra)