SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của phân đạm tới năng suất và một số dược chất của thổ nhân sâm (Talinum paniculatum Jacq.)

[04/04/2024 10:41]

Nghiên cứu được thực hiện bởi các tác giả Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Thu Hà, Hà Văn Tú thuộc Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Nguyễn Phương Mai - Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm đánh giá ảnh hưởng của các lượng và dạng phân đạm khác nhau đến sinh trưởng, năng suất và hàm lượng một số dược chất của cây thổ nhân sâm.

Cây thổ nhân sâm (còn gọi là thổ sâm cao ly, sâm mùng tơi, đông dương sâm...), có tên khoa học là Talinum paniculatum (Jacq.), thuộc họ cây rau sam Portulacaceae, là một cây thân thảo có nhiều tác dụng làm thuốc, làm rau ăn hay trồng làm cảnh. Thổ nhân sâm có chứa các hợp chất dược tính như saponin, tanin, flavonoid, phytosterol, octacosanol... (Solichatun & cs., 2005). Ngoài ra, thổ nhân sâm còn chứa các chất vô cơ kali, natri, canxi, magie, sắt, cùng các loại vitamin Bl, vitamin B2, vitamin c, tinh dầu, đường, tinh bột, có tác dụng bổ dưõng toàn thân, suy nhược thần kinh, hao tổn cơ thể, tăng cường thể lực cho người già, người ốm dậy, kém ăn, mất ngủ, hay quên. Bên cạnh đó, thổ nhân sâm chứa nhiều chất chống oxi hóa nên có thể phòng ngừa một số bệnh như ung thư, tim mạch, thần kinh, chống căng thẳng, tăng sức đề kháng chống lại nhiễm trùng. Đông y coi thổ nhân sâm là nhân sâm của người nghèo vì nó chứa nhiều công dụng giống nhân sâm mà giá thành rẻ và sẵn có trong tự nhiên (Nguyễn Thuý Dần, 2007). Theo y học hiện đại, chất octacosanol trong cây thổ nhân sâm có tác dụng chống siêu vi gây bệnh Herp, các viêm nhiễm ngoài da, hỗ trợ chữa bệnh Parkinson, bệnh tim và làm hạ cholesterol máu (Nguyễn Thuý Dần, 2007). Trên thế giới, nhiều nước dùng thổ nhân sâm làm thuốc (thuốc bổ, chữa gan thận, chữa đau cổ...) và đã có nhiều nghiên cứu về loại cây quý này.

Thí nghiệm được bố trí 3 lần lặp lại theo kiểu ngẫu nhiên đầy đủ với 3 mức bón đạm (60, 75 và 90kg N/ha) và 3 tỉ lệ đạm NH4+:NH3- (0:100, 50:50 và 100:0). Kết quả nghiên cứu cho thấy việc tăng hàm lượng phân đạm bón đã làm tăng các chỉ tiêu chiều cao, số lá, số nhánh cấp 1, diện tích lá, LAI, chỉ số SPAD, khối lượng rễ và hàm lượng chất khô của thổ nhân sâm một cách có ý nghĩa. Các dạng đạm khác nhau không có ảnh hưởng tới các chỉ tiêu này. Ở cả hai lứa thu hoạch, bón phân đạm dạng amôn ở mức 75kg N/ha vừa làm tăng rõ rệt năng suất của thổ nhân sâm, vừa đem lại hàm lượng saponin và flavonoid cao nhất, hàm lượng nitrat ở mức cho phép.

Việc tăng hàm lượng phân đạm bón từ 60-75-90kg N/ha đều làm tăng các chỉ tiêu chiều cao, số’ lá, số nhánh cấp 1, diện tích lá, LAI, chỉ số SPAD, khối lượng rễ và hàm lượng chất khô của cây thổ nhân sâm một cách có ý nghĩa. Các dạng đạm khác nhau không có ảnh hưởng rõ rệt đến các chỉ tiêu này.

Khi tăng lượng phân đạm từ 60 lên 75kg N/ha, cả năng suất cá thể và năng suất thực thu của thổ nhân sâm tăng một cách có ý nghĩa, nhưng khi tiếp tục tăng lên 90kg N/ha thì năng suất không tiếp tục tăng, thậm chí một số chỉ tiêu chất lượng còn bị giảm, ở cả hai lứa thu hoạch, phân đạm dạng amôn ở mức 75kg N/ha làm tăng rõ rệt năng suất cá thể và năng suất thực thu của thổ nhân sâm, đồng thời đem lại hàm lượng saponin và flavonoid cao nhất, hàm lượng nitrat ở mức cho phép. Do đó, lượng và dạng phân đạm này có thể sử dụng cho canh tác thổ nhân sâm nhằm đem lại hiệu quả cao và chất lượng tốt.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 8 – 2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ