SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sản xuất giống cá dìa tại Thừa Thiên Huế

[05/04/2024 08:47]

Hướng đến mục tiêu nhân rộng và phát triển mô hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm cá dìa và xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm ngon, đặc sản ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Thừa Thiên Huế theo hướng bền vững, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt dự án “Sản xuất thử nghiệm giống nguồn gen cá dìa (Siganus guttatus)”, mã số: NVQG-2019/DA.18, giai đoạn 9/2019-8/2023. Thành công của dự án không chỉ góp phần hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá dìa, mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia phối hợp trong việc xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm loài cá này.

Thực trạng sản xuất giống cá dìa

Từ năm 2005 đến nay, cá dìa đã được nhiều tổ chức quan tâm đầu tư nghiên cứu về sinh sản nhân tạo và xây dựng thương hiệu “cá dìa Tam Giang”. Tuy nhiên, đến nay việc nghiên cứu sản xuất giống cũng như xây dựng mô hình sản xuất giống cá dìa phù hợp với điều kiện Thừa Thiên Huế vẫn còn hạn chế. Việc sản xuất giống và xây dựng mô hình sản xuất giống thành công sẽ giúp cung cấp con giống có chất lượng cao phục vụ các hộ nuôi cá dìa khu vực đầm phá Tam Giang và vùng lân cận. Do đó, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt dự án “Sản xuất thử nghiệm giống nguồn gen cá dìa (Siganus guttatus)”, mã số: NVQG-2019/DA.18. Nhóm nghiên cứu đã phối hợp với 2 doanh nghiệp có tiềm lực về cơ sở vật chất trong sản xuất giống thủy sản nước lợ, mặn là Công ty TNHH MTV Thương mại Thủy sản Quốc Thắng và Công ty TNHH KH&CN Thanh Bình để xây dựng mô hình sản xuất giống cá dìa trên địa bàn. Mục tiêu chính của dự án là: i) Tạo ra con giống có chất lượng và ổn định môi trường nuôi ở vùng đầm phá, cung cấp cho các hộ dân nuôi thương phẩm; ii) Nhân rộng mô hình sản xuất giống cá dìa trên địa bàn tỉnh để giảm lệ thuộc vào con giống khai thác từ tự nhiên.

Xây dựng thành công kỹ thuật và mô hình sản xuất giống cá dìa

Để thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã xây dựng 3 mô hình. Mô hình 1 thực hiện tại đơn vị chủ trì, mô hình 2 và 3 thực hiện tại đơn vị phối hợp là Công ty TNHH MTV Thương mại Thủy sản Quốc Thắng và Công ty TNHH KH&CN Thanh Bình.

Nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn cá bố mẹ thành thục có khối lượng 400-500 g/con. Tỷ lệ đẻ đực/cái là 1:1 hoặc 1:2, mật độ sinh sản 3-5 cặp/5 m3. Trong quá trình sinh sản cá dìa, nhóm nghiên cứu tiến hành song song cả hai phương pháp: kích thích sinh sản tự nhiên và tiêm hormone (tùy vào thời điểm và khả năng thành thục của trứng).

Đối với việc ương cá bột trong ao: nhóm nghiên cứu thực hiện trên diện tích 500-800 m2, vệ sinh và cấp nước biển qua lưới lọc trước khi cho vào ao.

Quá trình gây màu nước và tạo hệ động vật phù du tự nhiên trong ao được thực hiện trước khi thả cá bột khoảng 20 ngày. Quá trình gây màu ao ương và tạo hệ thức ăn tự nhiên được thực hiện như sau: cá tạp xay nhỏ, rỉ mật, bột cám gạo và chế phẩm sinh học EM được ủ kị khí với tỷ lệ 1:1:1:1 trong vòng 1 tuần cho đến khi lên men. Men vi sinh sau khi ủ đạt chất lượng (có mùi thơm đặc trưng) sẽ được tạt xuống ao 2 ngày/lần vào lúc 8 giờ sáng và 14 giờ chiều trong vòng 1 tuần. Trong các ngày tiếp theo, thức ăn bột tôm có độ đạm xấp xỉ 40% được xay nhỏ hòa tan trong nước và tạt định kỳ xuống ao 1 lần/ngày. Màu nước và thành phần hệ động vật phù du sẽ được thu mẫu kiểm tra trước khi đưa cá dìa bột xuống ao ương. Thức ăn tươi sống có mật độ 25 cá thể/ml. Trong suốt 20 ngày đầu, ao ương được bổ sung nước biển hằng ngày nhằm thay thế lượng nước hao hụt do quá trình bốc hơi và duy trì sự ổn định về màu nước và độ mặn trong ao. Trong 15 ngày đầu, ao ương sẽ được bổ sung định kỳ men vi sinh 2 ngày/lần nhằm duy trì ổn định hệ thức ăn tự nhiên trong ao.

Sau 20 ngày nuôi, cá dìa chuyển sang giai đoạn cá hương, có thể quan sát được bằng mắt thường.  Trong giai đoạn này, ao ương được bổ sung thêm copepoda sinh khối được thu từ tự nhiên hay từ các ao đất nuôi tôm. Copepoda được làm sạch và khử khuẩn bằng iodine trước khi thả vào ao cho cá bột ăn. Lượng copepoda bổ sung dao động từ 2-3 kg trọng lượng ướt/500 m2. Sau 30 ngày nuôi, ao ương được bổ sung ấu trùng artemia và artemia đông lạnh trước khi tập cho ăn bằng thức ăn bột dạng mảnh INVE NRD1/2 tại ngày nuôi thứ 45.

Đối với mô hình sản xuất cá dìa, nhóm nghiên cứu định kỳ hàng tháng kiểm tra mức độ thành thục của cá bố mẹ (hình 2, 3) tại các mô hình để có phương án chuẩn bị cho việc sản xuất giống.

Kết quả: Khối lượng trung bình của cá cái tham gia sinh sản đạt 507,12 g/con, tỷ lệ đẻ trung bình đạt 90,32%; tỷ lệ thụ tinh trung bình đạt 84,45%; tỷ lệ nở trung bình đạt 93,61%; năng suất cá bột trung bình đạt 56,70 vạn cá/kg cá cái, tỷ lệ sống từ giai đoạn cá bột đến cá hương (30 ngày tuổi) trung bình đạt 5,1% và từ giai đoạn cá hương lên cá giống trung bình đạt 72,86%, với cá giống sau 56-60 ngày ương đạt kích thước 3-5 cm/con.

Tạp chí KH&CN Việt Nam số 1+2 năm 2024 (trang 61-64)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ