SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khả năng ký sinh của ong ký sinh Encarsia sp. (Hymenoptera: Aphelinidae) trên bọ phấn Bemisia tabaci (Gennadius) (Hemiptera: Aleyrodidae)

[05/04/2024 09:11]

Nghiên cứu của các tác giả Phạm Thị Hiếu, Trần Thị Thu Phương - Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Phạm Hải Chi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang nhằm xác định khả năng ký sinh của Encarsia sp. trên bọ phấn B. tabaci hại cà tím trên đồng ruộng và dưới ảnh hưởng của một số yếu tố bao gồm tuổi, mật độ bọ phấn và ong ký sinh cái.

Bọ phấn Bemisia tabaci (Gennadius) (Hemiptera: Aleyrodidae) là sinh vậy hại nguy hiểm, có phổ ký chủ rộng (Đàm Ngọc Hân, 2012; Lê Thị Tuyết Nhung, 2014) và phân bố rộng ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới (Delatte & cs., 2007). Nguy hiểm hơn, chúng là môi giới truyền bệnh của hơn 110 loài virus gây bệnh nghiêm trọng trên nhiều loại cây trồng (Jones, 2003). Bên cạnh đó, B. tabaci còn thải ra honeydew, tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển, hạn chế quá trình quang hợp và hô hấp của cây (Matsui, 1995). Chính vì vậy, việc phòng trừ bọ phấn được quan tâm tại nhiều vùng sản xuất nhằm góp phần bảo đảm năng suất và chất lượng cây trồng. Tuy nhiên, biện pháp hóa học đang được áp dụng phổ biến có hiệu quả phòng trừ thấp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường và làm mất cân bằng hệ sinh thái. Nhằm đáp ứng với phát triển nông nghiệp bền vững, biện pháp sinh học trong phòng trừ bọ phấn hại cần được quan tâm hàng đầu (Gerling & cs., 2001).

Ong kí sinh thuộc giống Encarsia (Hymenoptera: Aphelinidae) được đánh giá là kẻ thù tự nhiên quan trọng và hiệu quả nhất trong khống chế số' lượng B. tabaci (Gerling & cs., 2001). Nhiều loài trong giống này được nghiên cứu và sử dụng mang lại hiệu quả khống chế bọ phấn tốt trên thế giới như Encarsia formosa (Díaz & cs., 2019) và Encarsia transvena (Heraty & cs., 2007). Ong ký sinh E. formosa làm giảm tỷ lệ sống của bọ phấn từ 68,9% xuống 25,1% trên cà chua được trồng trong nhà kính (Kajita & Lenteren, 1982). Các loài ong ký sinh thuộc giống Encarsia thuộc nhóm nội ký sinh đơn, ký sinh bọ phấn non tuổi 2 đến tuổi 4. Một số nghiên cứu trước đây đã nhận định ký chủ có ảnh hưởng tới một số đặc điểm sinh học của ong ký sinh (Antony & cs., 2003; Gerling & cs., 2001; Qiu & cs., 2007).

Tỷ lệ ký sinh của ong ký sinh trên bọ phấn hại cà tím được tiến hành điều tra tại Gia Lâm, Hà Nội vụ Xuân 2023 định kỳ 7 ngày/lần. Kết quả cho thấy Encarsia sp. có tỷ lệ ký sinh cao nhất (58,57%) vào giữa tháng 6, sau đó giảm dần. Ong ký sinh và bọ phấn được nhân nuôi quần thể trong phòng thí nghiệm và theo dõi tỷ lệ ký sinh sau 24 giờ khi cho ong ký sinh tiếp xúc với bọ phấn tuổi 1 - tuổi 4, ở mật độ bọ phấn 5-80 con (tuổi 3-4)/lá và mật độ 1-4 ong cái/50 bọ phấn (tuổi 3-4). Ong ký sinh Encarsia sp. có tỷ lệ ký sinh cao nhất ở bọ phấn tuổi 3 và thấp nhất ở tuổi 1. Mật độ ký chủ tăng, tỷ lệ ký sinh của ong ký sinh giảm nhưng tỷ lệ vũ hoá tăng. Ngược lại, khi mật độ ong ký sinh tăng, tỷ lệ ký sinh tăng nhưng tỷ lệ ký sinh trung bình/con cái giảm. Ở mật độ 1-2 ong cái/50 bọ phấn, tỷ lệ vũ hoá trưởng thành đạt cao hơn tỷ lệ này ở mật độ 3-4 ong cái/50 bọ phấn. Như vậy, Encarsia sp. có tỷ lệ ký sinh cao trên đồng ruộng; tuổi và mật độ bọ phấn, mật độ ong ký sinh có ảnh hưởng khả năng ký sinh của chúng.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Số 3 – 2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ