SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thái Bình: Khoa học và Công nghệ-động lực chính thúc đẩy việc sản xuất, tiêu thụ và phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

[05/04/2024 15:36]

Những năm gần đây, nhờ được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ, sự đóng góp của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Thái Bình đã hiện hữu rõ nét ở các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, trong hầu hết các khâu, từ sản xuất đến tiêu thụ và phát triển. Nhờ vậy, ngành nông nghiệp Thái Bình đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống người dân.

Để phát huy tiềm năng về vị trí địa lý (3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển), đất đai phì nhiêu… Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành tập trung, quan tâm phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Từ định hướng này, những năm gần đây, ngành KH&CN Thái Bình đã tập trung triển khai 4 giải pháp quan trọng và thu được nhiều kết quả tích cực:

Một là, triển khai nhiều nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp: Giai đoạn 2019- 2023, đã có 46 nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp được triển khai thực hiện dưới dạng đề tài cấp tỉnh và dự án thuộc “Chương trình hỗ trợ, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016- 2025” đầu tư cho các sản phẩm chủ lực.

Hai là, tăng cường sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực: Giai đoạn từ năm 2019-2023, tỉnh Thái Bình có 1.086 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 484 giấy chứng nhận nhãn hiệu; trong 7 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được cấp có 2 văn bằng bảo hộ độc quyền; trong 7 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đã được cấp có 6 văn bằng bảo hộ độc quyền. Đáng chú ý, gần đây tỉnh Thái Bình đã cho phép sử dụng 6 địa danh “Thái Thụy”; “Làng Keo”; “Làng Giắng”; “Chợ Gốc”; “Hưng Hà”; “Hồng Tiến” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận tập thể cho sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp giúp hàng hóa có thương hiệu, nâng cao giá trị và được tiêu thụ rộng khắp thị trường trong nước, mang lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân.

Ba là, chú trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực lĩnh vực nông nghiệp: Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình chủ yếu giới thiệu, trưng bày và giao dịch các sản phẩm về các loại gạo, các giống lúa, ngô như: BC15, Đông A1, nếp A Sào, Phúc Thái 168, TBR-1, TBR225, TBR279, TBR89, TBR97, Thái Xuyên 111, Ngô nếp TBM18… góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương tới khắp cả nước.

Bốn là, quan tâm tư vấn, hướng dẫn các thủ tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và mã số vùng trồng, đăng ký nhãn mác, truy xuất nguồn gốc: Hàng năm, Sở KH&CN Thái Bình đều tư vấn, hướng dẫn cho trên 100 tổ chức, cá nhân về thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở KH&CN Thái Bình đã tích cực hướng dẫn tổ chức, cá nhân về thủ tục cấp mã số vùng trồng, đăng ký nhãn mác, truy xuất nguồn gốc gắn với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo kịp thời và đúng quy định. Việc chủ động, minh bạch nguồn gốc sản phẩm là rất cần thiết, tạo cơ sở dữ liệu để lưu trữ và chọn lựa phương án sản xuất kinh doanh, tránh được việc giả mạo thương hiệu. Đây cũng là căn cứ giúp chủ cơ sở giám sát nội bộ, bảo vệ trước pháp luật khi bị truy xuất nguồn gốc.

Tạp chí KH&CN Việt Nam số 1+2 năm 2024 (trang 87-88)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ