Nấm Alternaria alternata gây bệnh đốm lá trên bắp cải tại tỉnh Nghệ An
Nghiên cứu nhằm mục đích phân lập và xác định rõ tác nhân gây bệnh đốm lá trên bắp cải (Brassica oleracea L. var. capitata) tại xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mười mẫu lá bắp cải có các triệu chứng bệnh đốm lá đã được thu thập tại ba ruộng. Bằng biện pháp phân lập và kiểm tra đặc điểm hình thái các chủng nấm phân lập.
Bắp cải (Brassica oleracea L. var. capitata), một loài rau ăn lá phổ biến trong họ Cải (còn gọi là họ thập tự - Brassicaceae) có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải. Bắp cải là cây thân thảo, sống hai năm với nhiều giá trị dinh dưỡng và dược lý nên được trồng và tiêu thụ khắp thế giới. Diện tích trồng bắp cải năm 2020 trên thế giới là hơn 2,41 triệu hecta với sản lượng đạt hơn 70,86 triệu tấn. Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ là các nước có sản lượng trồng và xuất khẩu bắp cải nhiều trên thế giới. Ở Việt Nam, diện tích trồng bắp cải năm 2022 là 37.624ha với sản lượng đạt 1.027.592 tấn, được trồng vào vụ đông ở Đồng bằng sông Hồng và trồng tập trung quanh năm ở Đà Lạt. Tuy nhiên, bắp cải và các loại cây họ Cải khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các mầm bệnh khác nhau gây thiệt hại nặng nề đến năng suất, kinh tế và chất lượng cây trồng.
Bệnh đốm lá do nấm Alternaria spp. gây ra được coi là bệnh phổ biến và có sức tàn phá lớn nhất trên tất cả các cây họ Cải trên toàn thế giới. Alternaria brassicae và Alternaria brassicicola là hai loài phổ biến nhất gây ra bệnh đốm lá trên bắp cải và các loại cây họ Cải khác. Nấm A. brassicae có tản nấm màu xanh oliu, sợi nấm màu nâu hoặc xám nâu, cuống sinh bào tử có màu nâu sẫm, có vách ngăn, mọc thành cụm. Bào tử có màu nâu đen, mọc riêng lẻ hoặc thành 2-4 chuỗi, hình quả dâu (muriform) với mỏ dài, kích thước của bào tử trong khoảng 148-184 x 17-24um với 10-11 vách ngăn ngang và 0-6 vách ngăn dọc. Bên cạnh đó, nấm A. brassicicola có tản nấmmàu xám đen, sợi nấm có màu từ xanh oliu đến xám đen. Cuống sinh bào tử màu vàng sẫm, có vách ngăn, phân nhánh. Bào tử có màu nâu sẵm, hình quả dâu (muriform) không có mỏ, kích thước trong khoảng 44-55 x 11-16um với 5-8 vách ngăn ngang và 0-4 vách ngăn dọc. Triệu chứng bệnh điển hình do hai loài này gây ra các vết bệnh (các đốm) màu nâu sẫm có các đường tròn đồng tâm đặc trưng, thường có viền màu vàng. Các vết bệnh thường xuất hiện trên lá, thân và quả. Trong điều kiện thuận lợi, trên các vết bệnh hình thành một lớp bào tử nấm màu nâu đen. Các tổn thương hoại tứ lan rộng làm giảm đáng kể hiệu quả quang hợp và làm chết cây khi mầm bệnh phát triển mạnh.
Triệu chứng bệnh đốm lá trên bắp cải và đặc điểm hình thái của tác nhân gây bệnh
Nghiên cứu xác định loài nấm gây bệnh thường được tiến hành dựa trên đặc điểm hình thái và phương pháp sinh học phân tử. Trong tất cả các vùng của nrDNA, vùng trình tự ITS (Internal Transcribed Spacer) được dùng là mã vạch phân tử (barcode) phổ biến và có xác suất định danh thành công cao nhất đối với phạm vi rộng nhất cho các loài nấm. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một báo cáo khoa học nào công bố xác định cụ thể tác nhân gây bệnh đốm lá trên bắp cải, mà chỉ “ngầm" mặc định là do nấm A. brassicicola và A. brassicae gây nên. Việc chưa xác định được chính xác tác nhân gây bệnh làm giảm hiệu quả phòng trừ bệnh đốm lá trên bắp cải.
Vì vậy, nghiên cứu xác đinh rõ tác nhân gây bệnh đốm lá trên bắp cải là rất có ý nghĩa khoa học và cần thiết. Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin khoa học, đồng thời là cơ sở khoa học để đưa ra biện pháp quản lý bệnh đốm lá bắp cả hiệu quả.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các khuẩn lạc phân lập từ bề mặt cắt các mảnh lá bệnh đều giống nhau về mặt hình thái (kí hiệu là BC01). Bằng phương pháp phân lập và kiểm tra đặc điểm hình thái cho thấy, các khuẩn lạc phân lập từ bề mặt cắt các mảnh lá bệnh đều giống nhau về mặt hình thái (kí hiệu là BC01). Chủng BC01 có tản nấm màu oliu sẫm, viền trắng, sợi nấm bông, chuỗi bào tử phân nhánh, bào tử màu nâu hình bầu dục hoặc elip với một mỏ hình nón ngắn ở đầu, có từ 0-3 vách ngăn dọc và 1-5 vách ngăn ngang. Kích thước bào tử trong khoảng từ 10,17 đến 40,06 × 4,16 đến 13,09µm. Kết quả phân tích trình tự gen vùng ITS và đặc điểm hình thái đã xác định được chủng BC01 thuộc loài Alternaria alternata. Các triệu chứng bệnh quan sát được sau 7 ngày tái lây nhiễm chủng BC01 giống với các triệu chứng ban đầu từ lá phân lập. Tại vị trí lây nhiễm, các sợi nấm bệnh phát triển dày đặc xâm lấn sâu trong mô lá, trong khi trên lá đối chứng không có triệu chứng bệnh.
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 1, năm 2024