SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu khảo sát nhân giống loài địa liền (Kaempferia galanga L.) bằng công nghệ nuôi cấy in vitro

[06/04/2024 18:43]

Nghiên cứu được các tác giả Trần Thị Thu Hà, Đỗ Hoàng Chung, Dương Thị Nhung, Hoàng Thị Thu Hà - Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên tiến hành khảo sát nhân giống in vitro cho mẫu củ của cây Địa liền (Kaempferia galanga L.) được thu thập tại xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Cây Địa liền hay còn gọi là cây Thiền liền, cây Sa khương, có tên khoa học là Kaempferia galanga L., thuộc họ gừng (Zingiberaceae) được sử dụng như một loại thuốc trong y học cổ truyền. Theo Đông y, Địa liền có vị cay, tính ấm, có tác dụng làm ấm tỳ vị, giảm đau, hành khí, trừ đờm, tán hàn, tiêu thực và trừ, bạt khí độc. Địa liền phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á và Trung Quốc. Trong thân và rễ cây Địa liền chứa nhiều tinh dầu, một hợp chất bay hơi, được sử dụng để làm gia vị, đồ uống và trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Sản phẩm cao chiết thân và rễ Địa liền chứa ethyl-p-methoxycinnamate, ethyl cinnamate, 3-carene, camphene, borneol, cineol, kaempferol và kaempferide được báo cáo có các đặc tính sinh học như: Kháng khuẩn, kháng vi sinh, kháng ung thư và có các hoạt tính dược lý như giảm căng mạch máu, chống viêm, giảm đau, hạ sốt. Giá trị của cây Địa liền đã được Đông y và y dược hiện đại chứng minh và sử dụng. Chính vì thế, trên thế giới cũng như trong nước, Địa Liền được đánh giá là cây dược liệu quý và có giá trị kinh tế cao.

Chồi mầm sử dụng để vào mẫu nuôi cấy khởi động là chồi có kích thước 1 - 2 cm bật ra từ củ Địa liền được thu thập từ xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Mẫu thu thập được Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật định danh với tên khoa học là Kaempferia galanga L., tên Việt Nam là Địa liền, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae), mẫu tiêu bản được lưu giữ tại Bảo tàng Thực vật (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) và trồng tại vườn giống Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên.

Kết quả cho thấy, mẫu chồi mầm khử trùng bằng dung dịch NaClO 1% trong thời gian 3 phút kết hợp 10 phút javen 15%, ngâm 30 phút trong cefotaxim 10% và nuôi cấy trên môi trường nuôi cấy khởi đầu MS cho tỷ lệ mẫu sạch bật chồi 93,33% sau 4 tuần. Môi trường có 1,5 mg/L BAP kết hợp 0,2 mg/L NAA cho hệ số nhân chồi đạt 5,50 chồi/mẫu, trung bình 3,97 rễ/chồi và chiều cao trung bình là 5,54 cm. Chồi in vitro có thân lá và rễ phát triển tốt. Cây mầm mô được nuôi trồng ở nhà kính với công thức giá thể: Đất + xơ dừa + phân chuồng hoai (7 : 2 : 1) có tỷ lệ sống đạt 96%. Kết quả bước đầu có thể ứng dụng góp phần bảo tồn và phát triển loài này từ phương pháp nhân giống in vitro.

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Số 10/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ