Đánh giá sinh trưởng, tiềm năng sinh khối và năng suất hạt của tập đoàn giống hướng dương nhập nội
Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá sinh trưởng, tiềm năng sinh khối và năng suất hạt của tập đoàn 40 giống hướng dương nhập nội. Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Đinh Thái Hoàng, Nguyễn Thị Thanh Hải – Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Hướng dương (Helianthus annuus L.) là một trong tám loài cây lấy dầu quan trọng của thế giới. Hiện nay, hướng dương được trồng trên khắp các lục địa với tổng diện tích gần 30 triệu hecta. Bên cạnh đó, hướng dương còn được đánh giá là loài cây thức ăn gia súc tiềm năng với thời gian sinh trưởng ngắn và năng suất sinh khối cao. Trên thực tế, cây hướng dương và các phụ phẩm sau khi sản xuất dầu đã được sử dụng làm thức ăn thô phổ biến cho chăn nuôi từ đầu thế kỷ XX.
Tại Việt Nam, hướng dương ban đầu được trồng làm cảnh và dẫn dụ sâu bệnh. Giai đoạn 1999-2002, các giống hướng dương lấy hạt ép dầu được trồng thử nghiệm có khả năng sinh trưởng tốt, năng suất khá, đạt 2-3 tấn/ha. Năm 2010, hướng dương được trồng với diện tích tập trung tại Nghệ An làm thức ăn cho bò sữa. Giai đoạn 2013-2016, hướng dương tiếp tục trồng thử nghiệm ở nhiều tỉnh miền bắc như Sơn La, Thái Nguyên, Phú Thọ,.. phục vụ nhu cầu thức ăn tại chỗ cho vật nuôi. Ngày nay, chăn nuôi công nghiệp phát triển khiến nhu cầu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc tăng nhanh. Do đó, sản lượng nhập khẩu hạt hướng dương không ngừng tăng. Năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu gần 120 nghìn tấn hạt với tổng kim ngạch lên tới gần 34 nghìn USD. Để chủ động nguồn nguyên liệu, hạn chế phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, việc mở rộng diện tích trồng hướng dương tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Để mở rộng diện tích, cần có giống tốt, tuy nhiên các giống hướng dương hiện nay chủ yếu phục vụ sản xuất hoa cắt hoặc làm cảnh. Các giống lấy hạt được chọn tạo những năm 2000 hầu như không được phát triển. Năm 2013, giống Aguara 6 được phát triển cho thấy khả năng thích ứng tốt, cho sinh khối cao hơn ngô từ 15-20% thử nghiệm giống Aguara 6 tại Thừa Thiên Huế cho năng suất chất xanh đạt từ 52,5 đến 62,0 tấn/ha. Như vậy, có thể thấy nguồn giống hướng dương phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi còn rất hạn chế. Xuất phát từ thực tế trên, nghiên cứu được tiến hành nhằm giới thiệu các giống hướng dương tốt có tiềm năng sinh khối và năng suất hạt cao cho sản xuất.
Ảnh minh họa
Thí nghiệm trong vụ xuân 2023 tại Gia Lâm, Hà Nội được bố trí theo phương pháp tập đoàn không nhắc lại. Kết quả thí nghiệm cho thấy, đa phần các giống hướng dương có tiềm năng sinh khối lớn có thời gian thu sinh khối và thời gian sinh trưởng thuộc nhóm trung bình và muộn. Năng suất sinh khối tương quan có ý nghĩa với diện tích lá. Năng suất hạt tương quan nghịch với số đĩa hạt/cây và tương quan thuận với đường kính đĩa hạt, tổng số hạt/đĩa và khối lượng 1.000 hạt. Các giống hướng dương “CA sunflower” (87,5 tấn/ha), “Red Sun” (83,1 tấn/ha) và “Roshia” (77,3 tấn/ha) có tiềm năng sinh khối cao hơn giống đối chứng “Aguara” (76,3 tấn/ha). Giống hướng dương Sono cho năng suất sinh khối cao (73,9 tấn/ha) đồng thời cho năng suất hạt đạt cao nhất (6,54 tấn/ha).
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Số 2, năm 2024