Đặc điểm và kết qủa điều trị ung thư dạ dày ở người trẻ tuổi
Ung thư dạ dày là một bệnh lý phổ biến thường xảy ra ở người cao tuổi, ít gặp ở người trẻ. Tuy nhiên, gần đây tỉ lệ mắc ung thư dạ dày ở người trẻ tăng lên. Nghiên cứu được thực hiện bởi các tác giả Võ Duy Long, Nguyễn Hoàng Bắc - Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nhằm xác định các đặc điểm lâm sàng và kết qủa điều trị của bệnh nhân ung thư dạ dày trẻ tuổi.
Ung thư dạ dày là bệnh lý thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đứng hang đầu trong các ung thư đường tiêu hóa. Đến nay, dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán sớm và điều trị, ung thư dạ dày vẫn là bệnh có tiên lượng xấu.
Trước đây, các tác giả tập trung nghiên cứu ung thư dạ dày bằng phân tích dưới nhóm theo các yếu tố khác nhau, nhằm tìm ra phác đồ điều trị tối ưu cho từng phân nhóm nhỏ bệnh nhân cụ thể. Trong đó, lứa tuổi là một yếu tố được nhiều tác giả quan tâm. Ung thư dạ dày có tỉ lệ mắc bệnh tăng dần theo lứa tuổi, phần lớn người bệnh trong độ tuổi 50-70, ít gặp ở người trẻ tuổi (<40 tuổi). Tuy nhiên, ung thư dạ dày ở người trẻ tuổi có xu hướng tăng dần trong những nghiên cứu gần đây. Thêm vào đó, khi phân tích theo từng giai đoạn bệnh cho thấy ung thư dạ dày ở người trẻ tuổi có kết quả điều trị, thời gian sống thêm tốt hơn có ý nghĩa so với các nhóm tuổi ở cùng giai đoạn. Điều này tạo động lực cho việc tiến hành nhiều nghiên cứu nhằm lí giải nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh cũng như các yếu tố nguy cơ của sự xuất hiện sớm ung thư dạ dày ở những đối tượng này. Trên cơ sở đó có thể tìm ra những đối tượng phù hợp để sàng lọc phát hiện sớm, khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, phân tích đặc điểm giải phẫu bệnh và định danh giai đoạn bệnh, để nhằm mục đích cải thiện kết quả điều trị ung thư dạ dày ở người trẻ tuổi.
Đây là nghiên cứu hồi cứu cắt ngang mô tả, 50 bệnh nhân ung thư dạ dày dưới 40 tuổi tại Khoa Ngoại Tiêu hoá, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2021. Tiêu chuẩn chọn bệnh là chẩn đoán carcinoma tuyến dạ dày bằng giải phẫu bệnh. Tiêu chuẩn loại trừ: (a) có ung thư khác đi kèm, (b) bệnh nhân đã phẫu thuật cắt dạ dày do ung thư trước đây, (c) giải phẫu bệnh không phải carcinoma tuyến. Các yếu tố thu thập bao gồm: tuổi, giới, vị trí u, kích thước u, phân loại Borrmann, giai đoạn khối u, hạch. Số liệu được phân tích và xử lý bằng các phần mềm SPSS 18.0. Sự phân tích yếu tố liên quan được tiến hành bằng phép kiểm Chi bình phương với hiệu chỉnh Yates. Phép kiểm Fisher được dùng như một phép kiểm thay thế khi có một giá trị kỳ vọng trong bảng Chi bình phương < 5. So sánh sự khác nhau giữa các biến định lượng liên tục độc lập bằng phép kiểm t với phân phối chuẩn và phương sai đồng nhất. Phân tích các yếu tố liên quan đến thời gian sống còn được tiến hành bằng phép kiểm log-rank.
Kết quả cho thấy tỉ lệ ung thư dạ dày dưới 40 tuổi chiếm tỉ lệ 18.5%. Tuổi trung bình 34.5 ± 4.5. Giới nữ chiếm 58%. Giai đoạn T4a 50%, T4b 24%, 78% có di căn hạch vùng. Có 37 bệnh nhân (74%) được phẫu thuật cắt dạ dày và nạo hạch triệt để. Tỉ lệ sống còn toàn bộ sau 1-, 3-, 5 năm lần lượt là 94.5%, 74.3% và 62.5%. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa mức độ xâm lấn theo phân nhóm đại thể (p < 0.001), tỉ lệ di căn hạch theo phân nhóm mô học (p = 0.045). Vì vậy, khi ung thư dạ dày ở người trẻ thường gặp, đa số được chẩn đoán ở giai đoạn trễ.
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 537 Số 1B (2024)