Nghiên cứu tác dụng ức chế α-glucosidase của curcumin phân lập từ củ nghệ vàng (Curcuma longa)
Thân rễ hay củ Nghệ vàng trong Y học cổ truyền được gọi là Khương hoàng. Dược liệu này được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, làm gia vị và thuốc. Thành phần hoạt chất chính trong Nghệ vàng là các diarylheptanoid, trong đó có curcumin. Nghiên cứu được thực hiện bởi Ngô Thị Quỳnh Mai, Trần Thị Ngân - Trường Đại Học Y Dược Hải Phòng nhằm nghiên cứu tác dụng ức chế α-glucosidase in vitro của curcumin.
Nghệ vàng có tên khoa học là Curcuma longa, là một cây thân thảo thuộc họ Gừng (Zingiberaceae) phân bố rộng ở các nước nhiệt đới. Loài này được sử dụng làm gia vị cũng như làm thuốc trong Y học cổ truyền ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, và các nước châu Á khác. Các nghiên cứu về thành phần hóa học cũng chỉ ra sự có mặt của các curcuminoid (curcumin, demethoxycurcumin, bis-demethoxycurcumin), sesquiterpenoid. Các tác dụng sinh học đáng chú ý của loài này bao gồm chống oxy hóa [4], chống viêm, chống ung thư, kháng khuẩn, hạ đường huyết cũng đã được báo cáo. Các thuốc điều trị đái tháo đường type 2 hiện nay đa số có cơ chế làm giảm sự hấp thụ carbohydrate thông qua việc ức chế α-glucosidase.
Nhiều loài Curcuma khác nhau đã được xác định là có hoạt tính ức chế chống lại α-glucosidase. Chiết xuất thân rễ có nguồn gốc từ Curcuma longa đã chứng minh hoạt tính ức chế kháng α-glucosidase đáng chú ý với IC50 là 17,1 μg/mL. Một loài Curcuma khác, C. manga, thể hiện sự ức chế đáng kể α-glucosidase thông qua các phân đoạn của nó, với giá trị IC50 dao động từ 1,55 đến 22,61 μg/mL. Curcumin là thành phần chính trong nghệ vàng và đã được chứng minh có nhiều tác dụng dược lý đang chú ý như chống oxy hóa, kháng nấm, kháng ung thư...
Curcurmin được phân lập từ củ nghệ vàng thu hái tại Hải Phòng từ tháng 10 năm 2020. Cấu trúc của chất được xác định bằng phổ cộng hưởng từ hạt nhân và đối chiếu với các tài liệu tham khảo đã công bố. Kết quả thử nghiệm cho thấy curcumin có tác dụng ức chế rất tốt trên hoạt tính của enzym α-glucosidase với giá trị IC50 là 7,73±0,62 µg/ml. Tác dụng ức chế của curcumin mạnh hơn khoảng 20 lần chất đối chứng dương acarbose (IC50 = 156,16 ± 5,43 µg/ml). Khi tác dụng của curcumin rất mạnh với IC50<10 µg/mL cho thấy tiềm năng có thể tiếp tục nghiên cứu phát triển theo hướng điều trị đái tháo đường type 2.
Mặc dù có hoạt tính rất tốt trong các báo cáo trước đây liên quan đến tác dụng chống ung thư, chống oxy hóa, kháng nấm, curcumin vẫn khó được dùng như một thuốc điều trị do sinh khả dụng thấp, khó tan và chuyển hóa nhiều qua gan. Do đó các phương pháp bán tổng hợp cũng như phát triển các dạng bào chế tiểu phân nano nhằm tạo ra các dẫn chất có tác dụng tốt và sinh khả dụng cao hơn vẫn đang được tiến hành. Qua nghiên cứu này, kiến nghị tiếp tục thực hiện thử các tác dụng chống đái tháo đường nhằm cung cấp thêm các bằng chứng và căn cứ khoa học cho việc phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe trên nguồn nguyên liệu sẵn có như curcumin hay củ nghệ vàng.
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 537 Số 1B (2024)