Đánh giá và dự báo trữ lượng ngoài tự nhiên của một số loài nấm lớn ở Tây Nguyên
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Đặng Thị Thu Hương, Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Hùng Mạnh, Bùi Thị Tuyết Xuân, Nguyễn Tiến Dũng - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Nấm có vai trò quan trọng trong việc duy trì các chu trình hệ sinh thái và cung cấp dịch vụ hệ sinh thái bao gồm cả việc cung cấp thực phẩm. Nấm là nguồn thu nhập quan trọng đối với nhiều người trên thế giới vì là nguồn thực phẩm và dược liệu quý do chúng là nguồn dinh dưỡng dồi dào, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trên thế giới, nấm ăn và nấm dược liệu là những đại diện quan trọng cho nhóm lâm sản ngoài gỗ, chúng chủ yếu tập trung ở nhóm nấm ngoại sinh có rễ: Boletus, Amanita, Tuber, Tricholoma, Cantharellus và Agaricus.
Tây Nguyên là vùng cao nguyên ở Việt Nam, có độ cao trung bình từ 400-2.200m so với mặt nước biển. Khí hậu phân chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 của năm sau. Lượng mưa trung bình khá lớn từ 1.500-3.600mm, trong khi đó có khoảng 95% lượng mưa của cả năm sẽ đổ vào mùa mưa tạo nên độ ẩm khá cao vào thời điểm này. Thảm thực vật rất đa dạng và phong phú với nhiều dạng thảm khác nhau như rừng cây lá kim, rừng cây gỗ lá rộng, rừng hỗn giao cây gỗ và cây lá kim... Với điều kiện tự nhiên như trên, Tây Nguyên là vùng đất rất thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của Nấm nói chung và
Nấm lớn nói riêng, có rất nhiều loài có giá trị về dinh dưỡng được sử dụng làm thức ăn và dược liệu như nấm Thông (Boletus eldulis) hay các loài nấm Linh chi thuộc họ Linh chi (Ganodermataceae)... Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển du canh du cư của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, việc khai thác nấm để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng nên giá trị thương phẩm của nấm trên thị trường tăng theo. Mặt khác, nghiên cứu về nấm ở Tây Nguyên vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là nghiên cứu đánh giá về trữ lượng và đưa ra các mô hình dự báo về trữ lượng của các loài nấm quan trọng vẫn còn bỏ ngỏ. Mục đích của nghiên cứu này là xây dựng được mô hình dự đoán trữ lượng của một số loài nấm quan trọng ngoài tự nhiên ở Tây Nguyên dựa trên cơ sở dữ liệu về trữ lượng nấm thu được trong gần 3 năm (2021-2023). Những mô hình này có thể cho phép người quản lý rừng dự báo là phán đoán trữ lượng nấm trong tương lai trên cơ sở phân tích khoa học các dữ liệu của quá khứ và hiện tại nhờ một số mô hình toán học. Việc đánh giá trữ lượng của một số loài nấm lớn quan trọng ngoài tự nhiên giúp cho chúng ta có dự báo về khả năng cung cấp nấm trong các điều kiện tự nhiên khác nhau để đưa ra kiến nghị cho việc phát triển các mô hình thử nghiệm đạt trữ lượng cao nhất.
Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá trữ lượng của 07 loài nấm quan trọng phân bố ngoài tự nhiên từ 90 ô tiêu chuẩn trong 03 vườn quốc gia thuộc vùng Tây Nguyên trong gần 3 năm (2021-2023), trong đó có 6 loài nấm ăn, 01 loài nấm dược liệu và xây dựng mô hình dự đoán trữ lượng cho các loài nấm đó. Phương pháp thu thập và xác định trọng lượng tươi của nấm ăn được ở ngoài thực địa được tiến hành hàng tuần vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Trữ lượng trung bình của nấm Linh chi cao nhất từ 19,22 ± 2,95 kg/ha/năm và thấp nhất là nấm San hô: 2,42 ± 0,54 kg/ha/năm. Sử dụng hàm đa thức bậc hai để xây dựng mô hình dự báo, xây dựng được 07 mô hình dự báo trữ lượng cho mỗi loài nấm và 04 mô hình dự báo cho các loài nấm trên ở mỗi vườn quốc gia và ở Tây Nguyên, đủ độ tin cậy vì hệ số xác định R2 cao (R2: 0,7518-0,9909).
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Số 12, năm 2023