Hiệu quả một số phương pháp kích thích sinh sản sò huyết (Anadara granosa)
Nghiên cứu: “Hiệu quả một số phương pháp kích thích sinh sản sò huyết (Anadara granosa)” do nhóm tác giả Nguyễn Thị Thúy Quyên, Lê Thị Thảo, Trần Phan Nhân, La Xuân Thảo- Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thực hiện.
Sò huyết (Anadara granosa) có giá trị kinh tế cao, được nhiều nước trên thế giới khai thác tự nhiên và nuôi ở các bãi triều ven biển (Nguyễn Chính, 1996) nhưng con giống chủ yếu từ tự nhiên. Ngày nay, nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao, chất lượng giống càng giảm và cạn kiệt nên việc sản xuất giống sò huyết nhân tạo được chú trọng hơn. Tuy vậy, kỹ thuật sản xuất giống sò huyết còn gặp nhiều khó khăn, một trong những vấn đề còn gặp khó khăn là phương pháp kích thích sò huyết sinh sản. Có rất nhiều phương pháp kích sinh sản cho hai mảnh vỏ nói chung và sò huyết nói riêng đã được nghiên cứu. Bằng phương pháp sốc nhiệt được thực hiện theo 2 cách: hạ nhiệt hoặc tăng nhiệt. Sò huyết sau khi sốc hạ nhiệt từ 30 - 32o C xuống 16 - 18o C và giữ ở nhiệt độ thấp từ 1,5 - 2 giờ, sò đã đẻ sau 2 lần sốc nhiệt với trứng có kích thước 55 μm thu được ấu trùng đáy spat 2,5 mm sau 30 ngày tính từ khi cho đẻ (Wong và Lim, 1985). Muthiah và ctv. (1992) đã thực hiện kích thích sò sinh sản bằng phương pháp sốc nâng nhiệt từ
24 – 26o C lên 32o C. Ting và ctv. (1972) đã thử nghiệm kích thích sinh sản cho sò A. subcrenata bằng 3 phương pháp khác nhau: sốc hạ nhiệt từ 27o C xuống 20o C sau đó trở lại 27o C và tiếp tục nâng lên 30°C; ngâm sò cái trong môi trường có tinh trùng; và ngâm trong dung dịch pha loãng ammonium hydroxide (0,005 -0,001N). Kích thích sinh sản sò huyết bằng sốc nhiệt kết hợp thay đổi độ ẩm và dòng nước chảy sau khi phơi sò dưới bóng râm từ 120 phút – 240 phút cho tỉ lệ thụ tinh 90% (La Xuân Thảo, 2004). Các phương pháp kích thích sinh sản bằng hormone hoặc chiếu tia UV đã được thử nghiệm trên sò điệp Placuna placenta (Madrones-Ladja, 1997). Nhìn chung tỉ lệ thành công của một số phương pháp kích thích sinh sản nói trên khả quan, tuy nhiên các phương pháp này còn hạn chế cho người dân như phương pháp tiêm hormone chỉ áp dụng tốt nhất cho các thí nghiệm sinh sản riêng lẻ hơn là sinh sản hàng loạt bởi vì phải tiêm cho từng cá thể rất tốn thời gian và chi phí. Phương pháp kích thích bằng ngâm trong môi trường có tinh trùng hoặc dung dịch vi tảo dễ làm bẩn môi trường nuôi, khó kiểm soát các mầm bệnh do quá trình phân hủy các chất hữu cơ. Ngược lại, phương pháp vật lý như sốc nhiệt, tia UV, dòng chảy, độ ẩm… đơn giản hơn, có thể áp dụng cho quần thể lớn với chi phí thấp, đồng thời có thể kiểm soát được cường độ của tác nhân cũng như tác động tới môi trường nuôi rất thấp. Do đó các phương pháp vật lý trên hứa hẹn là biện pháp kích thích sinh sản hiệu quả, các loài phản ứng nhanh chóng đồng thời giải phóng các giao tử của chúng, kỹ thuật đơn giản, tiết kiệm chi phí. Trong đó phương pháp sốc hạ nhiệt và phương pháp sốc nhiệt kết hợp thay đổi độ ẩm và dòng chảy là phương pháp dễ thực hiện, chi phí thấp, phù hợp với thực tế và điều kiện sản xuất của hộ nông. Nghiên cứu nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất giống sò huyết, chủ động nguồn giống trong nuôi thương phẩm, giảm phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên.
Hiệu quả sinh sản của sò huyết Anadara granosa khác nhau khi được kích thích bằng các phương pháp khác nhau. Trong nghiên cứu này đã thực hiện kích thích sò huyết sinh sản bằng hai phương pháp khác nhau: sốc hạ nhiệt từ 30o C xuống 18o C (PP1) và sốc nhiệt từ 30o C lên 32o C kết hợp thay đổi độ ẩm bằng phơi nắng và dòng chảy (PP2). Mỗi phương pháp sử dụng 600 sò huyết bố mẹ có kích thước chiều dài vỏ > 30 mm cho 3 lần lặp lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở PP2 hiệu quả sinh sản của sò tốt hơn so với PP1 với thời gian hiệu ứng sinh sản 126,67 ± 20,82 phút, tỉ lệ sò sinh sản: 82,67 ± 2,52%, sức sinh sản thực tế: 2.111.903 ± 540,64 trứng/cá thể, tỉ lệ trứng thụ tinh: 83,00 ± 2,00%; tỉ lệ trứng nở: 81,30 ± 1,53%, và tỉ lệ sò tử vong sau kích thích: 20,67 ± 1,15%
Tạp chí nghề cá ĐBSCL, số 23/2022