SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hệ thống tuần hoàn nuôi tôm tít (Harpiosquilla harpax De Haan, 1844) thương phẩm đa tầng

[15/04/2024 10:02]

Nghiên cứu: “Đánh giá hệ thống tuần hoàn nuôi tôm tít (Harpiosquilla harpax De Haan, 1844) thươnnng phẩm đa tầng” do tác giả: Lê Ngọc Hạnh - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thực hiện.

Tôm tít, còn được gọi với các tên khác như tôm tích, bề bề hay tôm bọ ngựa và tên tiếng Anh là Mantis shrimp, là một trong những đặc sản đối với người dùng trong nước và thế giới. Theo Ahyong (2001), trên thế giới có 450 loài tôm tít được phân bố chủ yếu khắp các thủy vực nhiệt đới và cận nhiệt đới nơi chúng vùi mình hay nấp trong các kẽ hở của các vỏ nhuyễn thể hay nền đáy rạn san hô ở các vùng trung triều và cận triều. Trong đó, loài Harpiosquilla harpax được phân bố rộng rãi ở vùng Ấn Độ-Tây Thái Bình Dương, từ Biển Đỏ và Tây Ấn Độ Dương đến Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Tân Caledonia và Úc (Mahapatro và ctv., 2019) và Indonesia (Ekalaturrahmah và ctv., 2020). Ở Việt Nam, tôm tít được phân bố ở vịnh Bắc Bộ, vịnh Nha Trang và vùng biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang với một số loài phổ biến như H. harpax, Miyakea nepa, Lysiosquillina maculata (Nguyễn Văn Chung và ctv., 2000). Nguyễn Văn Thường và Phạm Minh Đức (2014) tìm thấy 4 loài tôm tít thuộc họ Squillidae phân bố ở vùng ven biển Kiên Giang và Cà Mau là Erugosquilla woodmasoni, H. harpax, M. nepa và Oratosquillina interrupta; trong đó 2 loài H. harpax và O. interrupta là có giá trị kinh tế và triển vọng cho sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm.

Kết quả nghiên cứu của Yan và ctv. (2015) ghi nhận sinh sản và phân bố của tôm tít H. harpax theo mùa, thức ăn của tôm tít bao gồm giáp xác, cá và nhuyễn thể chân đầu là 3 nhóm chính được tìm thấy trong dạ dày tôm. Cường độ bắt mồi đạt đỉnh vào mùa thu và giảm thấp nhất vào mùa đông. Tôm sinh sản quanh năm nhưng cao điểm vào mùa hè khi nhiệt độ nước biển cao nhất. Tương tự, Prasad và Rao (2015) tìm thấy cá là thức ăn có tỷ lệ cao nhất so với giáp xác nhuyễn thể chân đầu trong dạ dày của tôm tít H. harpax ở ven biển Ấn Độ. Công trình nghiên cứu của Mahapatro và ctv. (2019) tìm thấy thức ăn ưa thích chính của tôm tít H. harpax ở đầm phá Chilika - Ấn Độ lần lượt là các loài giáp xác sống ở đáy, nhuyễn thể và cá. Theo WorthamNeal (2002), tôm tít thuộc loại “tôm dữ”, ăn thịt sống theo hình thức rình mồi, con mồi chủ yếu là cá nhỏ, tôm, cua, trai, hến, giun nhiều tơ và cả đồng loại của chúng. Chúng dùng càng (đôi chân thứ hai) để bắt mồi, nhờ đôi chân này có đốt bàn và đốt ngón có thể co duỗi rất nhanh để chụp con mồi (Dingle và Caldwell., 1978). Hiện nay, một số hộ dân ở Cà Mau đang tiến hành nuôi tôm tít H. harpax trong lồng hay rổ nhựa đặt trên kênh rạch hay trong ao nuôi tôm quảng canh với nguồn giống khai thác từ tự nhiên cho ăn bằng cá tạp bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế nhất định. Tuy nhiên, hình thức nuôi này thường khó kiểm soát chất lượng nước và dễ gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS) có tính ưu việt hơn so với công nghệ nuôi ao, nuôi lồng bè vì tính an toàn sinh học, năng suất nuôi cao, không sử dụng kháng sinh, hoá chất, không gây ô nhiễm môi trường (Timmons và Ebeling, 2010). Công nghệ này đặc biệt phù hợp với nuôi thủy sản vùng ven đô thị, nơi diện tích và nguồn nước hạn chế. Gần đây, nuôi thủy sản theo tầng trong các hộp nhựa với hệ thống RAS đã được áp dụng thành công trên cua biển. Hệ thống hộp nhựa này có ưu điểm như bảo dưỡng thấp, dễ tiếp cận và thiết kế, có thể triển khai kết hợp với hệ thống RAS trong nhà, nơi có ít diện tích bề mặt đất và nước (Lalramchhani và ctv., 2019). Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá khả năng áp dụng hệ thống nuôi hộp nhựa trong RAS để nuôi tôm tít Harpiosquilla harpax ở Tp. Hồ Chí Minh nhằm xây dựng một mô hình nuôi kinh tế mới vừa nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và đồng thời có thể áp dụng trong khu vực nội đô hoặc các khu vực diện tích hẹp, nguồn nước tự nhiên hạn chế

Mục đích của nghiên cứu này là thử nghiệm nuôi tôm tít loài Harpiosquilla harpax đa tầng ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước ở quy mô sản xuất. Thí nghiệm được thực hiện 120 ngày tại thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu với quy mô trang trại là 100 m2 . Hệ thống nuôi tôm tít bao gồm 1.000 hộp bằng nhựa (V=8 L/hộp) được xếp theo tầng. Một hệ thống lọc tuần hoàn (RAS) bao gồm thiết bị lọc trống, đèn diệt khuẩn, bể xử lý nước thải bằng vi sinh hiếu khí để xử lý và tái sử dụng nguồn nước thải trong quá trình nuôi tôm. Tổng cộng 1.000 con tôm tít giống có khối lượng trung bình 37,5 g/con có nguồn gốc tự nhiên được nuôi riêng mỗi con trong một hộp. Tôm tít được cho ăn bằng cá nục thuôn (Decapterus macrosom) trong suốt thời gian thử nghiệm, khẩu phần ăn hàng ngày là 5-10% khối lượng tôm. Kết quả ghi nhận trong suốt 120 ngày thử nghiệm, các chỉ tiêu chất lượng nước trong hệ thống nuôi tôm tít duy trì ổn định bao gồm hàm lượng oxy hòa tan từ 6,0-6,3 mg/L, nhiệt độ nước dao động từ 26-29o C, pH 8,0-8,5, độ mặn 28-30‰, kiềm tổng 130,2-230 mg/L, TAN 0,3±0,2 mg/L, nitrite-nitrogen 0,2 ± 0,1 mg/L và nitrate-nitrogen 45±20,1 mg/L. Lượng nước sử dụng là 152,8 L/kg tôm tít sản xuất. Tôm tít sinh trưởng và phát triển tốt với tốc độ tăng trưởng tuyệt đối (DWG) là 0,76 g/ngày, tốc độ tăng trưởng đặc trưng (SGR) là 1,0%/ngày. Đạt khối lượng trung bình 157,7 g/con và tỷ lệ sống đạt 83,4%. Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) là 3,29. Kết quả nghiên cứu khẳng định rằng tôm tít có thể nuôi thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn đa tầng ở quy mô sản xuất.

Tạp chí nghề cá ĐBSCL số 23/2022,
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ