Nhận thức người sản xuất giống cá tra về biến đổi khí hậu và chọn giống thích ứng với biến đổi khí hậu
Nghiên cứu: “Nhận thức người sản xuất giống cá tra về biến đổi khí hậu và chọn giống thích ứng với biến đổi khí hậu” do nhóm tác giả: Nguyễn Văn Sáng và Nguyễn Hoàng Thông - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thực hiện.
Cá tra là đối tượng nuôi chủ lực ở Việt Nam trong môi trường nước ngọt. Năm 2021, sản lượng nuôi đạt 1,52 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỷ USD (Bộ NN&PTNT, 2022). Năm 2019, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 230 cơ sở sản xuất cá tra bột, khoảng 4.000 hộ dân ương cá tra giống với diện tích 3.500 ha. Theo ước tính, nhu cầu con giống cá tra đến năm 2025 của toàn vùng cần là 2,5 – 3,0 tỷ con (Bộ NN&PTNT, 2018). Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (RIA2) đã thực hiện chọn giống cá tra nâng cao tốc độ tăng trưởng từ năm 2001 và đến nay đã chọn lọc qua 4 thế hệ, với hiệu quả chọn lọc thực tế đạt được cao với mức tăng trưởng nhanh hơn 31,2% so với quần thể chưa qua chọn lọc (Nguyễn Văn Sáng và ctv., 2022); chọn giống nâng cao khả năng kháng bệnh gan thận mủ đến thế hệ G1 và hiệu quả chọn lọc mang lại với khả năng kháng bệnh ước tính cao hơn khoảng 8,3- 13,0%/thế hệ so với quần thể chưa qua chọn lọc (Trần Thị Phương Dung và ctv., 2021). Cá hậu bị tăng trưởng nhanh sản xuất từ đàn hạt nhân chọn giống G2 và G3 cũng đã được RIA2 cung cấp đến các trại sản xuất giống ở ĐBSCL tương ứng trong các năm 2010-2012 và 2016-2020 với số lượng lớn là 101.000 và 60.00 cá hậu bị (Nguyễn Văn Sáng và ctv., 2012; Nguyễn Văn Sáng và ctv., 2021). Tuy nhiên, một số trại giống chưa quan tâm đến đầu tư đầy đủ để nuôi vỗ và cho sinh sản trong sản xuất cá bột và ương cá giống từ cá bố mẹ đã qua chọn lọc (Lê Đức Liêm và ctv., 2017). Một số nghiên cứu về kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) cho năm 2030 và 2050 cho 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang được công bố (Mackay và ctv., 2011), về nhận thức của ngư dân và từ phân tích kỹ thuật sản xuất về biến đổi khí hậu trong nuôi cá tra và đề xuất biện pháp thích ứng với BĐKH, trong đó có đề cập cần lựa chọn loài nuôi có sức chống chịu cao, chọn giống cá tra tăng trưởng nhanh và tăng sức chống chịu (Trương Hoàng Minh và ctv., 2014; Anh và ctv., 2018; Son và ctv., 2021; Nguyễn Hồng Anh Thư và ctv., 2021). Tuy nhiên, cho đến nay ít có công bố về nhận thức của người sản xuất giống cá tra và các bên liên quan về biến đổi khí hậu và vai trò của chọn tạo giống và con giống chất lượng cao trong điều kiện biến đổi khí hậu, để từ đó có giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy công tác chọn tạo và cung cấp con giống cá tra đã qua chọn lọc đến người sản xuất nhanh và hiệu quả hơn.
Mục đích nghiên cứu này nhằm tìm hiểu nhận thức của người sản xuất giống cá tra về biến đổi khí hậu và chọn giống cá tra thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Nghiên cứu được thực hiện phỏng vấn trực tiếp 29 người sản xuất giống cá tra và 21 cán bộ liên quan (cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, quản lý giống và công ty có nhân viên trực tiếp sản xuất có trình độ đại học trở lên) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nội dung phỏng vấn gồm nhận thức, hiểu biết và thông tin về biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của chúng đến ĐBSCL, đến sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá tra; về chất lượng giống tốt đến hiệu quả sản xuất trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; về chọn giống cá tra nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh và hiểu biết về ứng dụng truy xuất phả hệ vào chọn giống. Số liệu thu thập được mã hóa, nhập và lưu trữ trong phần mềm Excel. Tần suất các lựa chọn trả lời các câu hỏi được biểu diễn theo số lượng và dạng tỷ lệ (%) phân theo hai đối tượng phỏng vấn bằng sử dụng chức năng Crosstabs trong phần mềm SPSS V.22. Hai đối tượng là người sản xuất giống cá tra và cán bộ liên quan có một số nhận thức, nắm bắt thông tin và hiểu biết về các vấn đề vừa nêu đa số gần giống nhau. Nhận thức của người sản xuất giống cá tra về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến ĐBSCL theo thứ tự là hạn hán (82,8%), chất lượng nước giảm (69,0%), xâm nhập mặn (58,6%). Ở một số chỉ tiêu, người sản xuất giống cá tra có tỷ lệ lựa chọn thấp hơn so với cán bộ liên quan như xâm nhập mặn (62,1% so với 85,7%) và lũ lụt (31,0% so với 69,1%) ở ảnh hưởng của BĐKH đến ĐBSCL; độc lực tác nhân gây bệnh cao (58,6% so với 71,4%) ở ảnh hưởng của BĐKH đến sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá tra; giảm tỷ lệ dị hình cá bột và giống (27,6% so với 57,1%) ở ảnh hưởng chất lượng giống tốt đến hiệu quả sản xuất trong điều kiện ảnh hưởng của BĐKH; hiểu biết về chọn tạo giống cá tra nâng cao khả năng kháng bệnh (72,4% so với 90,5%) và hiểu biết về ứng dụng ứng dụng truy xuất phả hệ vào chọn giống (69,0% so với 81,0%). Các thảo luận và đề xuất nghiên cứu tiếp theo về giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của BĐKH; ý thức của người sản xuất giống và nuôi về đóng góp của con giống đã qua chọn lọc đến nghề nuôi.