SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của điều kiện bảo quản tới tỷ lệ nảy mầm của hạt phấn một số giống dưa lê (Cucumis melo)

[16/04/2024 08:47]

Dưa lê (Cucumis melo) là nhóm cây trồng có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện trồng trong nhà màng, nhà lưới ở miền Bắc Việt Nam. Trong nghiên cứu này, các tác giả Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Thanh Tùng, Phạm Văn Hoàng, Bùi Phương Anh, Nguyễn Tuấn Anh thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của một số yếu tố trong môi trường bảo quản tới tỷ lệ nảy mầm hạt phấn của một số giống dưa lê nhập nội đang được trồng phổ biến, nhằm tìm ra điều kiện bảo quản hạt phấn phù hợp nhất, phục vụ mục đích tạo nguồn vật liệu cho công tác sản xuất, chọn tạo và lai giống dưa lê.

Nhóm cây dưa Cucumis melo gồm hai đại diện phổ biến là dưa lưới và dưa lê. Đây cũng là các cây trồng được nhiều nhà vườn lựa chọn để canh tác trong các nhà kính, nhà màng vào vụ xuân - hè - thu ở miền Bắc Việt Nam do cây có khả năng chịu nóng tốt và sản phẩm có giá trị cao trên thị trường trái cây nội địa. Các giống dưa lưới, dưa lê quả to được trồng ở miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung hầu hết đều được nhập nội, do đó việc thu thập vật liệu và phát triển các vật liệu cây dưa phù hợp với điều kiện canh tác ở Việt Nam là cấp thiết.

Các quy trình để thu thập và bảo quản hạt phấn trên cây dưa là công cụ căn bản để triển khai các công việc như thu thập vật liệu, lai giống, duy trì và sản xuất hạt giống trên cây trồng này. Cây dưa có đặc điểm nở hoa tung phấn “tập trung” nên trong công tác lai giống cũng như duy trì quần thể, kỹ thuật bảo quản hạt phấn để thụ phấn giữa các cá thể có thời gian sinh trưởng khác nhau rất cần thiết.

- Có bốn kỹ thuật bảo quản hạt phấn hiện được áp dụng phổ biến gồm:

(1) Bảo quản hạt phấn khô. Hạt phấn được làm khô, sau đó bảo quản ở nhiệt độ phòng. Đây là phương pháp bảo quản đơn giản, dễ làm và cho hiệu quả cao đối với một số' loại cây có sức sống hạt phấn cao, như cọ dừa (Whitehead, 1962).

(2) Bảo quản trong tủ lạnh thường có kiểm soát độ ẩm. Hạt phấn được đặt trong một hộp kín để kiểm soát độ ẩm. Hộp sau đó được đặt trong ngăn mát tủ lạnh (có nhiệt độ 4-8°C) hoặc trong ngăn đá (-20°C) (Du & cs., 2019). Hai điều kiện này có thể cho phép lưu hạt phấn để lai giữa các cá thể không nở hoa đồng nhất trong một thời vụ (bảo quản ở 4°C), hoặc lai với các cá thể trồng ở thời vụ sau đó (bảo quản ở -20°C).

(3) Bảo quản nhiệt độ lạnh sâu. Là phương pháp bảo quản hạt phấn ở ngưỡng -20°C đến -190°C hoặc thấp hơn. Ớ nhiệt độ âm sâu, hạt phấn có thể duy trì được sức sống trong thời gian rất dài và ít bị ảnh hưởng bởi ẩm độ (Visser, 1955) 

(4) Bảo quản trong dung môi hữu cơ ỏ nhiệt độ thấp. Phương pháp này được khởi xướng bởi Iwanami & Nakamura (1972), sử dụng các dung môi dễ bay hơi như acetone, benzene, petroleum benzine, n-butanol, ethanol, isopropanol, methanol, diethyl ether, petroleum ether hoặc chloroform để lưu trữ hạt phấn ở nhiệt độ thấp (4-6°C). Bảo quản hạt phấn trong dung môi có lợi thế về khả năng thu thập cũng như dễ dàng chia nhỏ lượng hạt phấn.

Vật liệu nghiên cứu là 04 giống dưa lê (Cucumis melo L. var makuwa) gồm Bạch Ngọc (Trung Quốc), Kim Hoàng Hậu (Hai Mũi Tên Đỏ), Gia Huy (Nông Hữu) và Makuwa (Nhật Bản). Tất cả các giống nghiên cứu đều là giống lai F1, trong đó, Kim Hoàng Hậu và dưa lê Gia Huy được trồng phổ) biến ở miền Bắc Việt Nam, còn Bạch Ngọc và Makuwa là các giống chất lượng cao, đang bắt đầu được trồng thử nghiệm. Cả 4 giống thí nghiệm đều được trồng trong điều kiện nhà màng tại trang trại Dfarm (Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2022 theo quy trình canh tác của trang trại. Hoa đực của các giống được thu để làm nguồn phấn phục vụ thí nghiệm.

Hạt phấn của 4 giống dưa lê là Bạch Ngọc, Kim Hoàng Hậu, Gia Huy và Makuwa được thu thập và bảo quản trong các điều kiện nhiệt độ (25°C, 8°C và -20°C), độ ẩm tương đối (20%, 40%, 60%) và các dung môi hữu cơ (acetone, n-hexane, cyclo-hexane, diethyl ethere, cồn tuyệt đối) khác nhau. Tỷ lệ nảy mầm của hạt phấn được đánh giá in vitro trên khay thạch agar 1% có bổ sung 15% đường succrose và 5ppm axit boric sau khoảng thời gian thay đổi từ 3 đến 30 ngày tuỳ theo thí nghiệm. Kết quả cho thấy hạt phấn có thể giữ được tỷ lệ nảy mầm xấp xỉ 50% sau 30 ngày nếu được bảo quản khô ở nhiệt độ -20°C và độ ẩm 20%.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 3 – 2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ