SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm hoa, quả, hạt và chất lượng hạt phấn của các mẫu giống ngải tiên (Hedychium spp.) trồng tại Gia Lâm – Hà Nội

[16/04/2024 09:11]

Chi Ngải tiên (Hedychium) thuộc họ Gừng (Zingiberaceae) được biết đến với công dụng làm thuốc và làm cảnh. Các tác giả Trịnh Thị Mai Dung - Tập đoàn T&T, 2A Phạm Sư Mạnh, Hoàn Kiếm, Hà Nội và Vũ Văn Liết, Phùng Thị Thu Hà thuộc Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tập trung nghiên cứu vào mô tả đặc điểm hoa, quả, hạt, hạt phấn và đặc điểm chín của nhị và nhụy nhằm phục vụ mục đích lai tạo giống.

Chi Ngải tiên (Hedychium) gồm khoảng 50-80 loài (Sakhanokho & Rajasekaran, 2019), là chi có hoa lớn và đẹp nhất của họ gừng (Zingiberaceae) (Sakhanokho & Rajasekaran, 2019; Sanoj & cs., 2013). Ngải tiên không chỉ được biết đến với công dụng làm thuốc (Võ Văn Chi, 2004; Sah & cs., 2012) mà còn được sử dụng làm cảnh từ lâu trên thế giới do có bộ lá xanh tươi, cụm hoa đẹp, hoa to và có hương thơm (Nguyễn Thị Ngọc Huệ & cs., 2012; Tanaka & cs., 2016). Trong danh sách giải thưởng hoa cây cảnh của Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia Anh năm 2020 thì có tới 3 loài Ngải tiên (AGM, 2020). Hiện nay, Ngải tiên được trồng ỏ nhiều nơi trên thế giới với mục đích làm cảnh hoặc để lấy tinh dầu hoa, thân rễ dùng làm nước hoa và chữa bệnh. Tại Việt Nam, Ngải tiên mọc ở những vùng có khí hậu mát mẻ và được trồng rộng rãi khắp nước ta, đặc biệt là ở một số’ vùng núi có độ cao 1.400-1.800m tại một số’ tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang (Nguyễn Quốc Bình, 2017; Đỗ Huy Bích & cs., 2006). Mặc dù cây Ngải tiên đã được trồng với mục đích làm cảnh từ lâu trên thế giới và ở Việt Nam nhưng các công bố lại chủ yếu tập trung vào các hoạt chất dược học và hàm lượng, chất lượng tinh dầu trong cây Ngải tiên.

Đối tượng nghiên cứu gồm 5 mẫu giống Ngải tiên được thu thập tại một số địa phương của Việt Nam và trồng tại vườn Bộ môn Rau hoa quả và cảnh quan, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Gia Lâm - Hà Nội.

Thí nghiệm được bố trí theo kiểu tuần tự không nhắc lại, trồng 60 cây/mẫu giống. Theo dõi 30 cây ngẫu nhiên/mẫu giống. Quả thu được từ thụ phấn chủ động bằng phấn của cùng mẫu giống.

Hình thái quả và hạt của mẫu giống Ngải tiên NT4

Kết quả cho thấy: Hoa ngải tiên có cấu tạo mang đặc trưng của họ Gừng. Các mẫu giống Ngải tiên đều nở hoa vào buổi sáng từ 8h30-10h30, riêng NT1 (Ngải tiên Sapa 2009), NT3 (Ngải tiên Sapa 2016) nở thêm vào buổi chiều lúc 14-15h30. Nhụy chín sau khi hoa nở 30-60 phút, nhị chín sau nhụy 2,5-3h. Hạt phấn hình tròn, không dính bết, đường kính 72,3-86,8µm, độ hữu dục 76,5-83,3%. Quả Ngải tiên là dạng quả nang, 3 ngăn, quả non màu xanh, quả chín màu vàng, vàng nhạt hoặc cam. Hạt hình hơi tròn, có góc cạnh, được bao phủ bởi lớp thịt quả màu đỏ tươi. Khối lượng quả 1,72-3,92 g/quả, với 8,4-17,6 hạt/quả, 2,8-5,9 hạt/ngăn, khối lượng hạt 45,17-92,34 mg/hạt, đường kính hạt 0,32-0,39cm.

Việc thu được quả Ngải tiên từ thụ phấn chủ động mở ra triển vọng cho công tác lai tạo giống Ngải tiên. Nắm được đặc điểm quả và hạt, đặc điểm chín của quả, hạt sẽ góp phần chủ động cho công tác thu hạt và bảo quản hạt lai sau này.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 1 – 2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ