Nghiên cứu đặc điểm thực vật và tác dụng kháng khuẩn của cây hẹ (Allium tuberosumroxb.)
Các tác giả Hồ Thị Dung, Trần Thị Oanh, Trần Vân Anh thuộc Trường Đại học Y khoa Vinh tiến hành thực hiện đề tài với mục tiêu là nghiên cứu đặc điểm thực vật và tác dụng kháng khuẩn của Hẹ thu hái tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Cây Hẹ (Allium tuberosum Roxb.) có tên gọi khác là nén tàu, thuộc họ Hành tỏi - Alliaceae. Cây được trồng khắp nơi ở nước ta để làm gia vị và làm thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian, hẹ thường được dùng chữa chứng bệnh ho của trẻ em như ho đờm, hen suyễn, viêm họng, viêm phế quản…; chữa các bệnh kiết lỵ ra máu; có tác dụng bổ can thận, dùng làm thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần, đái són, di tinh, mộng tinh, đau lưng mỏi gối, khí hư… Theo các nghiên cứu của tạp chí khoa học và kỹ thuật Trung Quốc, hoạt chất odorin chiết được từ hẹ có tác dụng kháng sinh đối với vi trùng Staphylococcus aureus và Bacillus coli. Hẹ có chứa lượng lớn vitamin A, vitamin C, khoáng chất và chất xơ, tinh dầu. Cây hẹ đã được chứng minh có nhiều tác dụng sinh học như: khả năng chống oxy hoá mạnh do sự hiện diện của các hợp chất polyphenol, khả năng kháng khuẩn và chống ung thư. Hẹ được trồng tại khu vực huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An với trữ lượng khá cao, chủ yếu được sử dụng trong chế biến món ăn và làm gia vị. Tuy có nhiều tác dụng, công dụng nổi bật nhưng ở hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu về đặc điểm thực vật và tác dụng kháng khuẩn của cây Hẹ.
Cây Hẹ được thu hái tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An tháng 7/2023, giám định tên khoa học và lưu giữ mẫu tại bộ môn Quản lý Dược – dược liệu, trường Đại học y khoa Vinh. Kết quả nghiên cứu đã xác định được cây Hẹ trồng tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An có tên khoa học là Allium tuberosum Roxb., thuộc họ Hành tỏi (Aliliaceae), đã bổ sung cơ sở dữ liệu giải phẫu (vi phẫu rễ, thân, lá) và đặc điểm bột dược liệu (bột lá) của cây Hẹ (Allium tuberosum Roxb.), xác định được tác dụng kháng khuẩn của các mẫu thử chiết từ lá Hẹ sử dụng dung môi là nước và ethanol 70%, ethanol 90% đều có khả năng ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn thử nghiệm. Trong đó, cắn ethanol 70% có hoạt tính kháng vi khuẩn cao nhất.
Cần có những nghiên cứu sâu hơn về thành phần hóa học và tác dụng sinh học để chứng minh cho các tác dụng của Hẹ như chống oxy hóa, chống ung thư…; công dụng bổ gan thận, mạnh gân cốt… của Hẹ để nâng cao giá trị sử dụng của cây Hẹ.
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 536 Số 1 (2024)