SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm tổn thương thần kinh trên lâm sàng và điện cơ ở bệnh nhân rắn cạp nia cắn

[20/04/2024 15:01]

Nghiên cứu các tác giả từ Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai với mục tiêu nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng và điện cơ của tổn thương thần kinh ở bệnh nhân bị rắn Cạp nia cắn.

Rắn độc cắn là một cấp cứu thường gặp ở các nước có khí hậu nhiệt đới. Theo Joerg Blessman tại Đông Nam Á năm 2019 có 242.648 nạn nhân bị rắn cắn trong đó 15.909 nạn nhân đã chết. Tại Việt Nam rắn Cạp Nia cắn thường gây bệnh cảnh nặng nề nhất, bệnh nhân dễ tử vong do liệt cơ hô háp nếu không được câp cứu kịp thời. Nọc rắn cạp nia có chứa nhiều chất độc thần kinh khác nhau, gây ra các rối loạn dẫn truyền thần kinh, gây ra yếu, liệt vận động từ nhẹ đến nặng, trong đó nặng nhất là liệt cơ hô hấp, khiến cho bệnh nhân phụ thuộc máy thở dài ngày, có nhiều biến chứng, thậm chí là tử vong.

Ghi điện cơ là một phương pháp hiệu quả đánh giá dẫn truyền thần kinh cơ cho phép ta xác định được vị trí tổn thương thần kinh, giai đoạn tổn thương cấp hay mạn tính. Do đó, việc đánh giá điện cơ nhằm xác định các tổn thương thần kinh - cơ do rắn cạp nia cắn thực sự có ý nghĩa giúp cho quá trình điều trị, tiên lượng bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn. Nghiên cứu của Trevett và cs (1995) cho kết quả bệnh nhân bị rắn độc cắn có đáp ứng giảm biên độ điện cơ sau đo điện thế kích thích lặp lại liên tiếp với tần số (3Hz/s). Nghiên cứu của Panduranga và cs (2015) trên bệnh nhân bị rắn độc cắn cũng khẳng định có tình trạng giảm đáp ứng biên độ điện cơ sau đo điện thế kích thích lặp lại liên tiếp (3Hz/s) do tổn thương thần kinh - cơ hậu synap và tiền synap. Hiện ở Việt Nam còn ít nghiên cứu đánh giá, theo dõi về các đặc điểm tổn thương thần kinh - cơ, thay đổi trên điện cơ ở các bệnh nhân nhập viện, điều trị trong viện sau khi bị rắn cạp nia cắn.

Nghiên cứu mô tả tiến cứu trên 19 bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn điều trị tại Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai có chỉ định điện cơ từ tháng 01/2023 đến tháng 09/2023. Kết quả cho thấy liệt thần kinh sọ và thần kinh vận động ngoại vi bao gồm sụp mi (100%), nhìn đôi (89,5%), giãn đồng tử (100%), liệt vận nhãn (89,5%), hạn chế há miệng (100%), liệt cơ nâng cổ (100%), cơ chi trên, chi dưới (89,5%), giảm phản xạ gân xương (89,5%). Triệu chứng sụp mi ở nhóm dùng huyết thanh kháng nọc tồn tại trung bình 4,0 ± 1,83 ngày ngắn hơn so với nhóm không dùng huyết thanh kháng nọc (7,86 ± 3,13 ngày), với p = 0,013. Điện cơ trong ngày đầu vào viện cho thấy: Trung bình thời gian tiềm, tốc độ dẫn truyền vận động trong giới hạn bình thường tuy nhiên có trung vị biên độ sóng vận động giảm, trung bình thời gian tiềm, tốc độ dẫn truyền cảm giác, biên độ sóng cảm giác dây thần kinh giữa, trụ trong giới hạn bình thường. 10,0% bệnh nhân có test kích thích lặp lại dương tính, 30,0% bệnh nhân có nghi ngờ dương tính.

Việc điện cơ trong ngày đầu của bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn bước đầu cho thấy phát hiện tổn thương synap thần kinh cơ, phù hợp với cơ chế của alpha neurotoxin và beta-neurotoxin có trong nọc độc của rắn cạp nia.

Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 534 Số 2 (2024).
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ