SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiệu quả kỹ thuật của các hộ nông dân trồng cam trên địa bàn huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang

[20/04/2024 15:06]

Nghiên cứu bới các tác giả Nguyễn Thị Minh Thu, Vũ Tiến Vượng, Nguyễn Công Tiệp, Đặng Nam Phương - Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm phân tích thực trạng sản xuất cam trên địa bàn huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Cam là một loại cây ăn quả nhiệt đới có nguồn gốc từ miền Đông Á (Hoàng Xuân Phương, 2018; Rao & Mal, 2000). Hiện nay, cam được trồng nhiều ở các quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích và sản lượng cam lớn nhất. Tại Việt Nam, cam được trồng ở nhiều tỉnh thành, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Các giống cam được trồng phổ biến ở Việt Nam gồm có cam sành, cam Vinh, cam Cao Phong, cam Canh, cam Đường Canh,... Sản lượng cam của Việt Nam tăng trưởng khá nhanh trong những năm gần đây. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cam của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 1,7 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2021 (Tổng cục Thống kê, 2022).

Mặc dù sản lượng cam của Việt Nam tăng trưởng nhanh, nhưng ngành sản xuất cam cũng đang gặp phải một số vấn đề. Thứ nhất, sản xuất cam ở Việt Nam vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, chiếm tỷ lệ lớn là các hộ nông dân trồng cam quy mô nhỏ. Điều này dẫn đến tình trạng sản xuất thiếu quy hoạch, hiệu quả thấp, khó kiểm soát dịch bệnh, sâu bệnh hại. Thứ hai, chất lượng cam của Việt Nam vẫn chưa cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do giống cam chưa được chọn lọc, quy trình sản xuất chưa được áp dụng đúng kỹ thuật, thiếu sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Thứ ba, giá cam thường biến động thất thường, phụ thuộc vào thị trường. Điều này khiến cho người trồng cam gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo thu nhập.

Tuyên Quang là một trong những tỉnh có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và cây ăn quả nói riêng. Với mục tiêu phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo hướng tập trung, phát triển bền vững ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện phát triển các loại cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hoá có giá trị kinh tế cao đến năm 2025 và 2030. Trong đó, cây cam là một trong những loại cây chủ lực của tỉnh Tuyên Quang, được tỉnh xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất chủ yếu ở 3 huyện Hàm Yên, Sơn Dương và Yên Sơn; đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh. Huyện Hàm Yên là một huyện nằm ở phía tây bắc của tỉnh Tuyên Quang, cam được trồng rộng rãi tất cả các xã hơn hai chục năm và trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất của địa phương. Cùng với đó, theo nghiên cứu của trước đó, huyện Hàm Yên cũng có tiềm năng lớn nguồn đất phục vụ trồng cam đến năm 2030 với diện tích đất rất thích hợp và thích hợp là 58.184,35ha (TQĐT, 2017). Nhằm khai thác lợi thế, thế mạnh vốn có của địa phương, huyện Hàm Yên đã thực hiện triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, trang trại phát triển sản xuất cam. Đặc biệt, theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của huyện, diện tích đất được sử dụng trồng cam trên toàn huyện đến năm 2030 là 7.710ha.

Cam sành Hàm Yên là một sản phẩm nông nghiệp đặc sản của tỉnh Tuyên Quang, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Trong những năm qua, diện tích và sản lượng cam sành Hàm Yên đã có sự phát triển đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Nghiên cứu này nhằm phân tích cách mà các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến năng suất trong việc sản xuất cam, đặc biệt là tại các hộ nông dân trong huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Bởi vì, cam thường được trồng chủ yếu bởi các hộ có quy mô nhỏ lẻ, việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực có sẵn là vấn đề quan trọng. Khó khăn trong việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất, sản lượng, nhận thức về yêu cầu về chất lượng sản phẩm và gây trở ngại trong việc đầu tư.

Dữ liệu sơ cấp được thu thập bằng việc phỏng vấn trực tiếp 125 hộ trồng cam thông qua bảng hỏi. Trong số 125 hộ, có 98 hộ trồng cam thường và 27 hộ trồng cam hữu cơ. Đối với 98 hộ trồng cam thường, nghiên cứu lựa chọn phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên. Đối với 27 hộ trồng cam hữu cơ, đây là tổng số hộ đang canh tác theo phương pháp hữu cơ trên toàn huyện nên nghiên cứu lựa chọn phương pháp chọn mẫu có chủ đích. Nghiên cứu này tập trung vào phân tích các chi phí, hiệu quả kinh tế trong sản xuất cam thường và cam hữu cơ trên địa bàn huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng hàm biên sản xuất ngẫu nhiên Cobb-Douglas để ước tính mức hiệu quả kỹ thuật. Kết quả chỉ ra rằng hiệu quả kỹ thuật trong trồng cam tại Huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đạt mức 89,6% với hộ trồng cam thường và 82,1% đối với hộ canh tác cam hữu cơ. Những yếu tố như số năm đi học, khó khăn về sâu bệnh và thực trạng vay vốn cho sản xuất đang ảnh hưởng đồng thời đến cả 2 nhóm hộ.

Từ những kết quả trên, các tác giả khuyến nghị rằng trong thời gian tới, cần có các chính sách, cơ chế đặc thù để khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Đối với huyện Hàm Yên, cần tăng cường tổ chức các khoá tập huấn để nâng cao nhận thức của hộ nông dân về hiệu quả từ cây cam được trồng theo phương thức canh tác hữu cơ. Đi kèm với đó, huyện cũng cần đẩy mạnh các nghiên cứu để xác định được giống cam nào phù hợp với thổ nhưỡng của khu vực nhằm mang lại năng suất cao cho hộ nông dân và tăng khả năng chống chịu dịch bệnh. Đối với tỉnh Tuyên Quang, cần khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và cung ứng các nguồn vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ đảm bảo chất lượng và đa dạng. Bên cạnh đó, duy trì, phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hữu cơ. Việc thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ phải được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các tiêu chuẩn theo quy định. Điều này có thể giúp cho sản phẩm cam hữu cơ trên địa bản huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang được đón nhận nhiều hơn trên thị trường trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Số 11 – 2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ