Cải thiện năng suất, chất lượng giống nấm Linh chi (Ganoderma spp.) bằng phương pháp gây đột biến sử dụng tia gamma (Cobalt 60)
Các tác giả Nguyễn Thị Giang, Phạm Xuân Hội, Nguyễn Thị Hồng Hải, Nguyễn Thị Hằng Viện Di truyền Nông nghiệp đã thực hiện nghiên cứu nhằm cải tiến năng suất và chất lượng nấm Linh chi nuôi trồng tại Việt Nam.
Nấm Linh chi (Ganoderma spp.) được coi là vị vua của các loại thảo mộc và được sử dụng như một vị thuốc y học cổ truyền trong nhiều thế kỷ. Do sự hiện diện của các hợp chất hoạt tính sinh học có giá tri lớn trong y học như terpenoids, polyphenol, sesquiterpen, alkaloids, lactones, sterol, glycoprotein và polysacharide mà nấm Linh chi được sử dụng như chất chống ung thư, thuốc kháng virus, thuốc bảo vệ gan, thuốc tăng cường miễn dich và thuốc hạ đường huyết... (El-Ramady & cs., 2022). Chính vì thế, trong nhiều thập kỷ qua, nấm Linh chi đã thu hút rất nhiều nghiên cứu thuộc các lĩnh vực như hóa sinh; di truyền học và sinh học phân tử; khoa học sinh học nông nghiệp; dược học, độc dược học, dược phẩm và y học (El Sheikha, 2022).
Chọn giống đột biến là một trong những phương pháp hiệu quả nhất và được sử dụng rộng rãi để cải tiến cây trồng, đồng thời đóng một vai trò quan trọng trong nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất cây lương thực (Liu & cs., 2004). Trong các tác nhân gây đột biến thì chiếu xạ bằng tia Gamma (Cobalt-60) có hiệu quả tạo đột biến cao. Tia gamma là một bức xạ ion hóa hiệu quả, có khả năng thâm nhập tốt hơn vào tế bào vách sợi nấm và các tế bào đích. Đây là một loại bức xạ điện từ hay quang tử có tần số cực cao. Do có năng lượng cao nên tia gamma có khả năng ion hóa mạnh trong môi trường vật chất. Để phát triển các giống nấm mới với tính trạng chất lượng và năng suất tốt hơn, đột biến do chiếu xạ gamma là một trong những các phương pháp thuận tiện và rất hiệu quả (Esser, 1971).
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ nhân giống và nuôi trồng nấm Linh chi ở nước ta đã có những bước tiến nhất định. Tuy nhiên, do quá trình khai thác giống nấm Linh chi trong thời gian dài đã làm ảnh hưởng đến sức sinh trưởng, khả năng chống chịu và xuất hiện hiện tượng thoái hóa giống. Cho đến nay, công tác chọn tạo giống để thu được các chủng giống linh chi với nhiều tính trạng ưu việt (năng suất cao, giá trị dược liệu tốt, thích nghi và phát triển ở nhiều vùng sinh thái, trong các điều kiện bất thuận...) vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đạt được những kết quả đáng kể. Với mục tiêu tạo ra các biến dị mới nhằm cải tiến năng suất và chất lượng nấm Linh chi, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nấm đã tiến hành gây đột biến bằng phương pháp chiếu xạ tia gamma (Co60) trên hệ sợi nấm của một số giống nấm Linh chi đang nuôi trồng tại Việt Nam nhằm chọn tạo được những chủng nấm Linh chi cho năng suất cao, ổn định và chất lượng tốt để đưa vào sản xuất.
Một số giống nấm Linh chi DT, D18 và D20 được chiếu xạ tia gamma (Co60) trên sợi nấm ở các liều chiếu xạ 0,25; 0,5; 0,75; 1,0; 1,25; 1,5 và 2kGy. Qua nghiên cứu, kết quả đã chọn lọc được 05 chủng nấm Linh chi đột biến là DTL0,5; DTL0,75; DTL1; DTL1,25 và D18L0,75 có khả năng sinh trưởng hệ sợi khỏe, thời gian hình thành quả thể và thời gian thu hoạch sớm; năng suất nấm khô tăng từ 13-16% so với bố mẹ ban đầu; trong đó có 03 chủng là DTL0,75; DTL1; DTL1,25 có hàm lượng polysaccharide tổng số và 02 chủng là DTL1,25 và D18L0,75 có hàm lượng triterpenoid cao hơn so với chủng ban đầu.
Với kết quả trên, nghiên cứu cho thấy cường độ chiếu xạ có ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng sinh trưởng, phát triển cũng như hoạt chất dược liệu của các chủng đột biến, cụ thể liều chiếu từ 0,5-1,25kGray có tác dụng tích cực trong việc cải thiện khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng của các giống nấm Linh chi; còn khi liều chiếu ≥ 1.5kGray không có lợi cho sự phát triển hệ sợi của các chủng nấm Linh chi.
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 12 – 2023