Nghiên cứu đánh giá tác động kép của biến đổi khí hậu và các phát triển thượng nguồn đến xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Các hoạt động khai thác tài nguyên nước thượng nguồn, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến Đồng bằng sông Cửu Long trong đó xâm nhập mặn được xem là một trong những tác động nghiêm trọng nhất.
Ảnh minh họa.
Theo thống kê của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, năm 2011 hạn hán đã làm nước mặn xâm nhập nhiều địa phương vùng ĐBSCL sớm hơn trung bình nhiều năm. Tại một số tỉnh ven biển ĐBSCL, nước biển xâm nhập sâu vào các sông rạch khiến các dòng sông bị nhiễm mặn từ giữa tháng 2, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, ĐBSCL tiếp tục hứng chịu thiệt hại nặng nề với diện tích lúa bị ảnh hưởng trên 160,000ha, hoa màu trên 7.000 ha và số hộ dân bị ảnh hưởng là 400,000 hộ. Đến năm 2020, hạn mặn lại xảy ra với cường độ và quy mô mạnh lớn hơn, ranh giới ảnh hưởng bởi độ mặn lớn hơn4g/l chiếm diện tích 1.688.600 ha. Các đợt hạn mặn liên tiếp xảy ra đã đặt ra yêu cầu cần có các giải pháp cấp bách để thích ứng và giảm thiểu tác động của hạn, mặn đến sinh kế và môi trường.
Trong khi các nghiên cứu trước đây thường tập trung đánh giá tác động riêng lẻ của các hoạt động phát triển thượng nguồn hoặc nước biển dâng đến xâm nhập mặn, thì nghiên cứu của tác giả Dương Hồng Sơn (Viện khoa học Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi Trường) cùng các cộng sự đã nghiên cứu và đánh giá diễn biến xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long đồng thời theo kịch bản hiện trạng và các kịch bản phát triển kinh tế -xã hội (KT-XH) thượng nguồn đến năm 2030 và 2050 thông qua phương pháp mô hình toán và GIS. Để đánh giá tác động tổ hợp của các phát triển thượng nguồn và BĐKH đến xâm nhập mặn, nghiên cứu đã tiến hành theo 3 bước chính bao gồm: (1) Hiệu chỉnh và kiểm định mô hình thủy lực vàxâm nhập mặn; (2) Xây dựng và mô phỏng các kịch bản tổ hợp về BĐKH và phát triển thượng nguồn đến xâm nhập mặn đến năm 2030 và 2050;(3) Đánh giá tác động của các kịch bản tương lai đến xâm nhập mặn cho vùng ĐBSCL.
Kết quả tính toán cho thấy so với kịch bản hiện trạng, đến năm 2050 chiều dài xâm nhập mặn lớn nhất tương ứng với ranh mặn 4g/l sẽ tăng 5,6km trên sông Tiền, 6,2km trên sông Hậu và 13,7km trên sông Cổ Chiên. Dự báo đến năm 2050 khoảng hơn 2,5 triệu ha đất vùng ĐBSCL sẽ bị nhiễm mặn với độ mặn lớn hơn 1g/l, tăng 9,1% so với kịch bản hiện trạng. Các kết quả tính toán của nghiên cứu này sẽ cung cấp thông tin quan trọng phục vụ đề xuất các giải pháp thích ứng, giảm thiểu tác động của hoạt động khai thác tài nguyên nước thượng nguồn, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bạn đọc có thể tìm đọc công bố về kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2024, Tập 763, trang 13-23.
Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2024, Tập 763