SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Diễn biến đô thị hóa và nhiệt độ bề mặt ở thành phố Long Xuyên

[28/04/2024 20:06]

Long Xuyên được Chính phủ công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2020 theo Quyết định số 1078/QĐ-TTg, Long Xuyên được coi là một thành phố khá nổi bật ở Đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua quá trình đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa tại thành phố đã diễn ra mạnh mẽ tạo ra sự chuyển biến đáng kể trong kinh tế, cơ sở hạ tầng và văn hóa xã hội theo hướng hiện đại và văn minh hơn.

Ảnh minh họa.

Với sự tiến bộ liên tục của công nghệ viễn thám, việc quan sát Trái Đất từ các vệ tinh quang học đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Điều này mang lại nhiều ưu điểm, bao gồm phạm vi quan sát mở rộng, đa dạng về độ phân giải không gian và thời gian. Có nhiều nghiên cứu trên thế giới liên quan đến đô thị bằng sử dụng ảnh vệ tinh đã được thực hiện. Để hỗ trợ công tác này, nhóm tác giả Phan Trường Khanh (Khoa Kỹ thuật Công nghệ Môi trường, Trường Đại học An Giang-ĐHQG-TP.HCM) cùng các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu nhằm phân tích sự phát triển và biến động không gian đô thị của thành phố từ năm 2014 đến năm 2022. Bằng phương pháp phân loại đối tượng, nghiên cứu đã làm rõ sự thay đổi cấu trúc không gian đô thị cũng như sự biến động của các lớp phủ bề mặt của thành phố qua thời gian.

Nghiên cứu về sự phát triển không gian đô thị và biến động lớp phủ tại thành phố Long Xuyên trong 10 năm qua đã sử dụng công nghệ giải đoán ảnh Landsat với độ chính xác cao. Kết quả giải đoán ảnh viễn thám giai đoạn năm 2014-2022 cho thấy đô thị hóa đã dịch chuyển về phía Tây Nam của thành phố trong những năm gần đây, diện tích nhà ở và các công trình bê tông hóa tăng 62,67%, diện tích ruộng lúa giảm 50,71%. Diện tích cây xanh trên đầu người tăng từ 15,59m2 /người vào năm 2014 lên đến 25,56m2 /người vào năm 2022 và đạt tiêu chuẩn đô thị loại I, II. Có hiện tượng đảo nhiệt đô thị ở các khu vực có mật độ bê tông hóa cao đặc biệt ở vị trí trung tâm thành phố.

Nghiên cứu đã xây dựng 03 bản đồ lớp phủ bề mặt cho các năm 2014, 2018, và 2022, đồng thời xác định vị trí và mức độ biến động của các lớp phủ theo thời gian và không gian. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đã tính toán diện tích cây xanh trên đầu người, đánh giá sự phân bố của các điểm nóng nhiệt đô thị (SUHI), và nhận thấy sự hình thành đảo nhiệt tại các khu vực trung tâm chủ yếu do hoạt động con người trong quá trình đô thị hóa. Nghiên cứu đã rút ra các kết luận và đề xuất những vấn đề quan trọng cần được chú ý như sau: (1) Diện tích ruộng lúa dễ bị nhầm lẫn với lớp nước vì do mưa, hoặc do ruộng lúa bị ngập trong thời kỳ chuẩn bị đất và gieo xạ. Do đó, việc thu thập ảnh viễn thám nên chọn thời điểm cây lúa phát triển và làm đòng. (2) Cần xác định diện tích cây xanh theo từng đơn vị hành chính để xác định biến động không gian đô thị trên đầu người cho mỗi phường xã. Từ đó so sánh với tiêu chuẩn để điều chỉnh số lượng cây xanh cho các công viên, tòa nhà trong thành phố. (3) Cần làm giảm nhiệt độ ở các lớp phủ bê tông hóa như mái nhà, mặt đường, bãi đỗ xe... để tạo sự mát mẻ, thoải mái cho người cư ngụ cũng như giảm nhu cầu năng lượng cho con người bằng cách sơn màu sáng cho các lớp đối tượng này. Những thay đổi trên sẽ có thể làm giảm đáng kể nhiệt độ không khí đô thị, đặc biệt là trong mùa hè nóng bức. Từ đó, cung cấp cơ sở khoa học cho chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch đô thị hướng tới một thành phố xanh, mát mẻ và phát triển bền vững.

Bạn đọc có thể tìm đọc công bố về kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2024, Tập 764, trang 53-65.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2024, Tập 764.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ