Nghiên cứu quản lý chất lượng không khí bằng công cụ mô hình tại khu công nghiệp Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Khu công nghiệp (KCN) Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng là một trong số các KCN quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT). Hiện nay, công tác quản lý môi trường không khí tại KCN vẫn chưa đạt hiệu quả tốt.
Ảnh minh họa.
Trong năm 2022, KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng đã có 14 nhà máy đầu tư và chính thức đi vào hoạt động ổn định. Do tập trung nhiều ngành nghề khác nhau, chủ yếu là các ngành công nghiệp nặng nên công tác quản lý môi trường không khí hiện nay tại KCN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhìn chung, các hệ thống xử lý khí thải (HTXLKT) tại các nhà máy trong KCN đều được lắp đặt đầy đủ theo đúng hồ sơ môi trường được cấp phép. Các công nghệ xử lý khí thải tại các nhà máy đáp ứng được tiêu chuẩn xử lý bụi và SO2,… trong khí thải nếu được vận hành đúng quy định. Tuy nhiên, do đội ngũ vận hành HTXLKT tại các nhà máy vẫn chưa có chuyên môn và kinh nghiệm; việc bảo trì, bảo dưỡng định kỳ các HTXLKT vẫn chưa được thực hiện đầy đủ... điều đó có thể được xem là một trong các nguyên nhân dẫn đến công tác BVMT không khí tại các nhà máy trong KCN chưa đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, dựa trên các kết quả báo cáo định kỳ thì chất lượng khí thải của các doanh nghiệp trong năm 2022 đều đạt QCVN 19:2009/BTNMT. Tuy nhiên, số liệu quan trắc định kỳ này chưa phản ánh được thực trạng, đây cũng là tình trạng phổ biến hiện nay trong công tác quản lý môi trường tại các doanh nghiệp. Do đó, nhóm nghiên cứu Hồ Minh Dũng (Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG-HCM) cùng các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này, nhằm tính toán tải lượng khí thải và mô phỏng lan truyền ô nhiễm không khí từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí tại KCN. Phạm vi nghiên cứu là KCN Phú Mỹ 2 và KCN Phú Mỹ 2 mở rộng, phía Nam giáp KCN Cái Mép, phía Bắc giáp KCN Phú Mỹ 3, phía Đông giáp Quốc lộ 51 và phía Tây giáp KCN Phú Mỹ 1. Nghiên cứu thực hiện trong năm 2022 cho các nguồn phát thải ô nhiễm không khí tại các nhà máy trong KCN với các chất ô nhiễm chính gồm TSP, PM10, SO2, NO2 và CO.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: (i) LPG và CNG là 2 nhiên liệu sử dụng chính trong KCN, nhưng phát thải ô nhiễm chính từ quá trình đốt là do sử dụng các loại nhiên liệu khác như than đá, biomass, dầu FO,..; (ii) Kết quả mô phỏng lan truyền ô nhiễm không khí bằng mô hình AERMOD (kết hợp mô hình khí tượng TAPM) cho thấy, nồng độ CO và NO2 trung bình 1 giờ cao nhất và 8 giờ hoặc 24 giờ cao nhất trong cả 2 mùa (khô và mưa) đều đạt QCVN 05:2013/BTNMT; nồng độ SO2 và TSP trung bình 1 giờ cao nhất đều vượt QCVN 05:2013/BTNMT, cao gấp 1,6 lần và 3,6 lần đối với SO2 và 4,6 lần và 15,4 lần đối với TSP; (iii) Qua kết quả mô phỏng và đánh giá tác động ô nhiễm không khí đến khu vực xung quanh, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giảm phát thải khi thải ra môi trường không khí tại KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng.
Bạn đọc có thể tìm đọc công bố nghiên cứu trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2024, Tập 763, trang 78-91.
Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2024, Tập 763