Ảnh hưởng của một số tác nhân xử lý đến hàm lượng betacyanin và mức độ hỏng trái thanh long ruột đỏ (Hylocereus polyrhizus) trong quá trình bảo quản
Thanh long là loại trái cây phổ biến ở các nước nhiệt đới. Hiện nay, loài cây này được trồng nhiều ở các nước trong khu vực Đông Nam Á. Không chỉ là loại trái cây có hình dáng, màu sắc hấp dẫn, thanh long còn có hương vị thơm ngon và nhiều thành phần dinh dưỡng có giá trị cao.
Thịt quả và vỏ quả thanh long ruột đỏ chứa lượng lớn chất màu betacyanin, là nhóm sắc tố tự nhiên chứa nitơ và tan trong nước. Trong quá trình trồng thanh long, lượng betacyanin tăng theo mức độ chín của quả. Bên cạnh tác dụng tạo màu, gần đây hợp chất màu betacyanin được đặc biệt quan tâm do chúng còn là hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học quý cho sức khỏe như khả năng chống oxy hóa và các hoạt động loại trừ gốc tự do. Betacyanin cũng có vai trò ức chế tế bảo ung thư buồng trứng và bàng quang.
Hình minh họa (Internet)
Nghiên cứu được thực hiện với mục đích đánh giá mức độ hỏng và sự ổn định của betacyanin trong quá trình tồn trữ trái tươi khi được xử lý bằng các dung dịch rửa và bao bì bảo quản khác nhau. Kết quả thí nghiệm cho thấy, khi thanh long được rửa sạch bằng dung dịch kali sorbate (3%) giúp làm chậm quá trình hỏng của vỏ quả (11,6%, sau 5 ngày bảo quản) và tăng tính ổn định của betacyanin (365,6 mg/L, sau 5 ngày bảo quản). Màng bao chitosan cũng mang lại hiệu quả bảo quản khác biệt, cụ thể: Mức độ hỏng vỏ quả (15,1%) và hàm lượng betacyanin (333,4 mg/L) sau 9 ngày bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Tạp chí Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kỳ 1+2 tháng 2/2024