SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm hình thái, cấu trúc giải phẫu và thành phần hóa học của an xoa (Helicteres hirsuta Lour.) tại An Giang và Kiên Giang

[30/04/2024 13:05]

Nghiên cứu do các tác giả Phan Thị Yến Nhi, Nguyễn Trọng Hồng Phúc, Nguyễn Quốc Khương, Nguyễn Khởi Nghĩa, Phùng Thị Hằng – Trường Đại học Cần Thơ, tác giả Phan Thành Đạt - Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng dữ liệu cho việc xác định hiệu quả điều trị bệnh và khoanh vùng các khu vực trồng an xoa tại đồng bằng sông Cửu Long.

Cây an xoa - Ảnh minh họa

An xoa (dó lông hay thấu kén lông) Helicteres hirsutaLour. (H. hirsuta) được khai thác và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng (theo kinh nghiệm truyền miệng) như một loại dược liệu điều trị các bệnh về gan, đặc biệt là ung thư (Khánh, 2014). Theo ghi chép của Chi (2004) lá của H. hirsute dùng chữa các bệnh mụn nhọt sưng lở, rễ làm thuốc chữa cảm mạo, sởi, kiết lỵ, làm thuốc tiêu độc và  chữa tiểu rắt. Không có nhiều nghiên cứu về công dụng của H. hirsutatrên thế giới, ngoại trừ khảo sát ở Indonesia của Chin et al. (2006) về thành phần hóa học, một số hợp chất đã được tìm thấy  có tác dụng gây độc đối với tế bào ung thư gan. Đa phần các công bố về loài này là ở Việt Nam.  Các nghiên cứu về công dụng của loài này khi mẫu được thu tại Bình Phước, Gia Lai và một số địa điểm khác đều cho hiệu quả tốt như khả năng ức chế tế bào ung thư (Nga và ctv., 2016; Quang  et al., 2020), khả năng kháng khuẩn, kháng oxy hóa (Thủy, 2018; Le et al., 2021) và hoạt tính bảo  vệ gan (Tiến và ctv.,2021; Hoang et al., 2021). Vì vậy, H. hirsutacó thể được xem là nguồn dược liệu mới cần mở rộng phạm vi nghiên cứu và khai thác. Việc khảo sát thêm nhiều cơ sở dữ liệu để phát triển H. hirsute tại nhiều khu vực khác nhau ở Việt Nam rất cần thiết.

Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do nhu cầu sử dụng an xoa ngày càng nhiều nên một số nơi đã trồng để cung cấp đủ nguồn dược liệu này, tuy nhiên, phần lớn vẫn đang khai thác tựnhiên. Theo Khánh (2014), H.  hirsute là cây dạng bụi, mọc hoang, phổ biến ở các khu vực đồi, núi. Theo Liu et al. (2016) và Pant et al. (2021), các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến hàm lượng hoạt chất  trong cây làm thuốc, đất và hàm lượng các chất dược liệu trong cây có mối liên hệ mật thiết. Với  mục tiêu khảo sát các khu vực ở ĐBSCL để khai thác, trồng và phát triển cây dược liệu này, hai khu vực có nhiều H. hirsute mọc hoang và được đánh giá cao về chất lượng là An Giang (có địa hình núi, với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, thuận lợi cho sự phát triển cây dược liệu (Thắng,  2008) và Kiên Giang (khu vực các đảo nhỏ với quần thể rừng bán nguyên sinh nhỏ cũng được  xem là khu vực tiềm năng để khai thác nguồn cây làm thuốc (Trang thông tin điện tử Huyện Giang Thành, 2014) đã được chọn làm địa điểm nghiên cứu.

Nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát các đặc điểm thực vật học, thành phần hóa học và đặt tính đất, của H. hirsuta thu tại hai địa điểm: núi Cấm (An Giang) và Lại Sơn (Kiên Giang). Kết quả cho thấy, thành phần dinh dưỡng đất (đặc biệt là đạm và lân) có ảnh hưởng đến hình thái và cấu trúc giải phẫu của loài, tuy nhiên, an xoa là nhóm thực vật có nhu cầu dinh dưỡng thấp theo thang đánh giá của TCVN (2000). Có sự khác biệt về thành phần hóa học khi định tính một số hợp chất tại các khu vực thu mẫu khác nhau, một số chất dược liệu đặc biệt như saponin, phenol và coumarin chỉ có ở mẫu thu được tại Lại Sơn.

Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ, Tập 60, Số 2A (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ