Khai thác thương mại quyền sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bài viết phân tích khả năng, cách thức khai thác quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói chung trên thị trường. Việc khai thác này bao gồm các hoạt động sử dụng quyền SHTT của chính họ và việc sử dụng quyền đó vì mục đích lợi nhuận thương mại như tạo lập tài sản, chuyển giao quyền sử dụng/chuyển nhượng quyền SHTT.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. So với các doanh nghiệp lớn, các tổng công ty nhà nước khác, nguồn vốn cũng như cơ hội tiếp cận thị trường và duy trì sức mạnh trên thị trường của DNNVV còn hạn chế. Tuy nhiên, sự hạn chế đó không nằm ở nhận thức và năng lực khai thác nguồn tài sản trí tuệ. Không những thế, quy mô hoạt động của các DNNVV đó lại tạo những tiền đề nhất định cho việc khai thác hiệu quả các quyền SHTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
1.Vai trò và ý nghĩa của quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Quyền SHTT là loại quyền tài sản đối với những thành quả của hoạt động sáng
tạo, lao động trí tuệ, thành quả đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như khoa học, công nghệ, văn học nghệ thuật, nông nghiệp, thương mại. Tùy thuộc vào đối tượng của quyền SHTT, người ta chia thành hai nhóm chính của quyền SHTT bao gồm: (i) quyền sở hữu công nghiệp với các đối tượng như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp; (ii) quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và quyền liên quan đến quyền tác giả của người biểu diễn, của tổ chức ghi âm, ghi hình, của tổ chức phát sóng. Bên cạnh hai nhóm quyền này, còn phải kể đến quyền đối với các giống cây trồng mới được bảo hộ theo hệ thống patent (áp dụng đối với các đối tượng sáng tạo như sáng chế) hoặc hệ thống riêng.
SHTT được pháp luật bảo hộ dưới các dạng quyền độc quyền đối với sáng chế, bản quyền, giống cây trồng mới và các chỉ dẫn thương mại (như nhãn hiệu). Khi được ghi nhận, chủ sở hữu các đối tượng đó có thể được hưởng lợi vật chất từ những gì họ sáng tạo hoặc tạo lập nên. Về cơ bản, quyền SHTT nhằm cân bằng giữa lợi ích của tác giả và chủ sở hữu và lợi ích rộng rãi của công chúng.
Trong quá trình phát triển nói chung của nền kinh tế cũng như trong hoạt động
của chính DNNVV, quyền SHTT là một loại quyền tài sản có ưu thế nhất định so
với các tài sản hữu hình khác. Xuất phát từ thuộc tính của quyền SHTT, việc sử dụng và khai thác các quyền này không làm giảm giá trị của chúng (so sánh với tài sản hữu hình) mà ngược lại, còn tạo ra lợi ích vật chất gia tăng cũng như bồi đắp uy tín sản phẩm trong quá trình khai thác trong kinh doanh thương mại (quyền đối với các chỉ dẫn như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại...) thông qua việc ghi dấu ấn chất lượng sản phẩm với đối tác/người tiêu dùng. Vậy nên DNNVV có thể phát triển nhanh chóng không chỉ dựa vào vốn đầu tư hữu hình mà còn có thể bứt phá từ việc khai thác triệt để, đúng cách, có chiến lược quản trị tốt các đối tượng của quyền SHTT của mình trên thương trường.
2. Các hình thức khai thác thương mại của quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Khi nằm trong tay tư nhân, quyền sở hữu tài sản sẽ được giới chủ tự do định đoạt, khai thác và hưởng dụng một cách tối đa nhất tuỳ vào từng hoàn cảnh. Điều này đúng với tài sản hữu hình, thì cũng đúng với các đối tượng Quyền Sở hữu trí tuệ. Có được quyền tự do kinh doanh, thương nhân sẽ sáng tạo ra vô tận các phương cách để khai thác các Quyền Sở hữu trí tuệ của mình một cách hiệu quả nhất, sinh lợi nhất cho họ. Luật pháp Việt Nam, trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có thể đặt ra một số giới hạn, có thể đưa ra một số gợi ý và định hướng, có thể đưa ra các quy định mang tính dự phòng nhằm bảo đảm công bằng, song không thể nghĩ thay và làm thay doanh nghiệp.
Từ thực tiễn kinh doanh, có thể khái quát 4 hình thức hình thức khai thác thương mại quyền Sở hữu trí tuệ: Chuyển nhượng quyền sở hữu (mua bán quyền), Chuyển quyền sử dụng (Licensing), Góp giá trị quyền sở hữu trí tuệ làm vốn góp trong kinh doanh và Nhượng quyền thương mại. Trong đó, chuyển quyền sử dụng tài sản trí tuệ (Lisencing) là một trong những phương cách khai thác thương mại phổ biến nhất.
Ảnh minh họa
3. Giải pháp đẩy mạnh khai thác thương mại quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thứ nhất, trước khi bàn về khai thác quyền SHTT, DNNVV nói chung cần có chiến lược nghiên cứu triển khai nhằm xác lập các quyền SHTT trên cơ sở đối tượng SHTT do doanh nghiệp tạo lập nên bằng nguồn kinh phí của mình.
Thứ hai, bên cạnh việc khai thác quyền SHTT mà mình sở hữu, tùy theo chiến lược sản xuất kinh doanh ngắn hay dài hạn đối với một thị trường mà DNNVV có thể chỉ lựa chọn bỏ chi phí để có được quyền sử dụng các đối tượng của quyền SHTT như đã đề cập.
Thứ ba, để khai thác hiệu quả quyền SHTT của mình, DNNVV cần xây dựng Quy chế quản lý quyền SHTT. Thực tế cho thấy, nhiều DNNVV chưa quan tâm thích đáng đến quyền SHTT, chưa có ý thức xác lập quyền cũng như khai thác triệt để quyền SHTT mà mình sở hữu.
Thứ tư, DNNVV cần nhận thức rõ về các giá trị thông tin được niêm yết công khai liên quan đến các đối tượng của quyền SHTT nhằm tránh xâm phạm quyền của người khác đang được bảo hộ, đồng thời sử dụng thông tin đó phục vụ cho sự phát triển của chính DNNVV.
Kết, Nhận thức đầy đủ về nội dung và cách thức khai thác tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV là tiền đề cho việc lập kế hoạch và tiến hành khai thác quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp này. Ở Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2017, DNNVV chiếm tới 98,1% tổng số doanh nghiệp cả nước, do đó hiệu quả của việc khai thác đó không những nâng khả năng cạnh tranh của DNNVV trên thị trường mà còn tác động tích cực đến mục tiêu phát triển chung của cả nền kinh tế.
tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội số 1, năm 2021