SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Văn hóa và phát triển vùng trong mối quan hệ với phát triển kinh tế của hộ ở vùng Tây Nam Bộ

[02/05/2024 13:56]

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mô tả các đặc điểm văn hóa, kinh tế của vùng Tây Nam Bộ và mối liên hệ đến sinh kế của hộ dựa trên dữ liệu thứ cấp từ các cuộc điều tra mức sống dân cư và nguồn dữ liệu sơ cấp của nhóm nghiên cứu.

Vùng Tây Nam Bộ (TNB), còn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long hay miền Tây, được biết đến là một trong hai vựa lúa gạo lớn nhất của Việt Nam. Với lợi thế về vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên cho phát triển nông – lâm – thuỷ sản, vùng TNB luôn được Chính phủ xác định là vùng trọng điểm về phát triển kinh tế trong những năm qua. Theo Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020, trong 20 năm trở lại đây, TNB duy trì được tỉ trọng trên dưới 18% trong tổng GDP quốc gia, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ mức rất cao là 36,9% vào năm1998 xuống chỉ còn 12,6% vào năm 2010 và 5,2% vào năm 2016, và tỉ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn 2016 – 2019. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2016 – 2018, tổng thu ngân sách của toàn vùng chiếm khoảng 18% GDP và tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 7,5%. Đầu năm 2018, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc điều chỉnh quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, vùng TNB được quy hoạch phát triển theo 05 mục tiêu: i) là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái của quốc gia; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có vai trò quan trọng trongxuất khẩu nông, thủy sản cho thị trường thế giới; ii) là trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp điện năng, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp tầm quốc gia; iii) là trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp điện năng,công nghiệp phụ trợ nông nghiệp tầm quốc gia; iv) là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng vùng hạ lưu sông Mê Kông mang tầm quốc gia và quốc tế; và v) là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Vùng TNB có nhiều tộc người sinh sống như Kinh, Hoa, Khmer, Chăm, Mạ, Mường,Tày, Thái...  Điều này góp phần tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng với cấu trúc chủ thể đa tộc người. Tại đây, truyền thống nông nghiệp lúa nước của người Việt đã được phát huy đến mức tối đa. Vùng TNB đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Chính cấu trúc cảnh quan môi trường/ môi trường sinh thái của vùng đã quyết định các loại hình khai thác kinh tế nông, ngư, lâm nghiệp và quy định nên các phương pháp khai thác tác động vào thiên nhiên của con người, góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa vùng. Nghiên cứu này sẽ phân tích khái quát về đặc điểm sinh kế của người dân vùng TNB, thông qua đó, nghiên cứu nêu bật lên đặc điểm văn hóa trong mối quan hệ với phát triển kinh tế của vùng.

Với vai trò là vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, TNB đã có những bước tăng trưởng về kinh tế vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội luôn đạt mức cao so với các vùng khác. Song song đó, sinh kế của người dân ngày càng được mở rộng với sự đa đang về hoạt động, điều này góp phần cải thiện thu nhập của người dân (có đến 75% hộ nhận định thu nhập được cải thiện nhiều hơn so với trước đây).

Cơ cấu thu nhập của hộ

TNB là vùng đất có nền văn hóa đa dạngvới nhiều tộc người như Kinh, Hoa, Khmer, Chăm sinh sống. Trong đó, TNB là nơi người Khmer sinh sống tập trung cao nhất cả nước. Nhìn chung, đồng bào Khmer có sự khác nhau về năm tài sản sinh kế so với cộng đồng người Việt. Cụ thể, về vốn con người, đồng bào Khmer có số năm đi học thấp hơn và họ gặp nhiều khó khăn hơn trong giao tiếp bằng tiếng Việt (chỉ có hơn 50% hộ là biết đọc và biết viết tiếng Việt). Từ đó, vốn xã hội của người Khmer cũng thấp hơn so với nhóm khác, họ ít tiếp cập thông tin trên các kênh đài truyền thanh, chủ yếu thông qua bạn, bè, hàng xóm tại địa phương. Về vốn tự nhiên, diện tích đất trung bình mỗi hộ của vùng khá cao, loại đất ở các tỉnh cũng đa dạng và có sự khác biệt theo nhóm dân tộc, diện tích đất trung bình của đồng bào Khmer chỉ chiếm 50% diện tích của hộ dân tộc Kinh. Về vốn tài chính, khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ còn hạn chế, trung bình khoảng 27%. Tuy nhiên, ở nguồn vốn này, tỉ lệ vay vốn của các nhóm hộ Khmer và hộ nghèo cao hơn các nhóm còn lại, do người Khmer được sự quan tâm của địa phương. Chính điều này đã tạo điều kiện tốt cho các hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc ít người có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay chính thức để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất của hộ. Cơ sở vật chất của vùng những năm qua luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư. Do đó, tổng thể vùng về cơ sở vật chất khá tốt, người dân đều được tiếp cận với mạng lưới điện quốc gia, nước sinh hoạt. Nhà cửa của hộ cũng được cải thiện, hơn 60% hộ có nhà kiên cố. Tuy nhiên, ở nhóm đồng bào Khmer, phần lớn nhà ở thuộc nhà bán kiên cố với vật liệu làm tường nhà và mái nhà chủ yếu là đất vôi/rơm và tấm lợp hoặc lá/rơm/giấy dầu tương ứng.

Chính vì có sự khác biệt trong việc sở hữu các nguồn vốn sinh kế nên chiến lược sinh kế của đồng bào Khmer chủ yếu từ các hoạt động phi nông nghiệp, trồng trọt và tiền lương từ việc làm công, làm thuê. Cơ cấu chi tiêu cũng có sự khác biệt, đồng bào Khmer dành khá nhiều thu nhập cho vấn đề ăn uống, lễ tết. Do đó, mức tiết kiệm trung bình của đồng bào thấp hơn 43,8% so với đồng bào dân tộc Kinh và chỉ đạt khoảng 22,5 triệu đồng/người/năm.

Nhìn chung, những khác biệt về văn hóa, tôn giáo tạo ra những đặc thù độc đáo giữa các dân tộc. Tuy nhiên, những khác biệt về sinh kế có thể dẫn đến những bất bình đẳng về khả năng tiếp cận các nguồn vốn sinh kế. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tiếp cận vốn tín dụng nói riêng và các chính sách tương tự cần được triển khai hiệu quả để nâng cao sinh kế của người dân, hướng đến sự phát triển chung của vùng.

Tạp chí Khoa học trường Đại học Trà Vinh, số 39, tháng 9 năm 2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ