SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định thuê ngoài dịch vụ logistics của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long

[02/05/2024 13:57]

Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích nhân tố ảnh hưởng đến quyết định thuê ngoài dịch vụ logistics của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ bảy cả nước, nằm trong 10 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt  Nam, đạt 8,16 tỉ USD tính đến ngày 15/12/2019. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với hệ thống kênh rạch chằng chịt và nhiều vùng giáp biển, đã trở thành khu vực nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản chính của Việt  Nam. Đây là ngành hàng quan trọng giúp các doanh nghiệp (DN), người lao động tại ĐBSCL đảm bảo sinh kế.

Hiện nay, mô hình thuê ngoài ngày càng trở thành một chiến lược quan trọng, có thể hỗ trợ đáng kể cho các DN tận dụng kĩ năng và  nguồn lực của nhà cung cấp dịch vụ, để đạt khả năng cạnh tranh cao hơn. Bằng cách thuê ngoài dịch vụ logistics, các DN có thể tận dụng chuyên môn của các nhà cung cấp để tập trung vào năng lực cốt lõi của mình thông qua các hợp đồng logistics; hưởng nhiều lợi ích như giảm chi phí sản xuất, tiếp cận rộng hơn với thị trường toàn cầu và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Mô hình thuê ngoài dịch vụ logistics sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản (DNXKTS) muốn tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi (tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu), nâng cao năng lực cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận, hạn chế dàn trải nguồn lực, tránh những khó khăn trong lĩnh vực logistics không phải là sở trường của DN, đó là điều cấp thiết trong giai đoạn hội nhập sâu rộng của nước ta hiện nay.

Từ những lí do trên, nghiên cứu “Phân tích nhân tố ảnh hưởng đến quyết định thuê ngoài dịch vụ logistics của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại ĐBSCL” là cần thiết. Và từ đó, chúng tôi đề xuất hàm ý quản trị để phát triển dịch vụ thuê ngoài dịch vụ logistics trong tương lai.

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Kết quả nghiên cứu 100 DNXKTS tại ĐBSCL cho thấy rằng thuê ngoài dịch vụ logistics diễn ra khá phổ biến và là hoạt động không thể thiếu của các DNXKTS hiện nay. Bên cạnh đó, quyết định thuê ngoài dịch vụ logistics của các DNXKTS chịu ảnh hưởng bởi bốn nhân tố: (i) chiến lược, (ii) chi phí, (iii) đặc điểm quá trình logistics, (iv) đặc điểm nhà cung cấp dịch vụ logistics. Đồng thời, kết quả phân tích hồi quy cho thấy, bốn nhân tố đều có tác động tích cực đến quyết định thuê ngoài dịch vụ logistics của các DNXKTS tại ĐBSCL. Trong khi đó, các biến kiểm soát (quy mô DN và số năm kinh nghiệm của DN) không có tác động đến quyết định thuê ngoài dịch vụ logistics của DN.

Hàm ý chính sách:

Các DNXKTS cần đề ra chiến lược thuê ngoài dịch vụ logistics phù hợp với chiến lược của DN, kiểm soát được chi phí, cũng như lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ logistics thích hợp. Đặc biệt, DNXKTS nên lựa chọn những nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL) để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực từ bên ngoài, giảm rủi ro hoạt động của quá trình logistics.

Các nhà cung cấp dịch vụ logistics cần có hướng đi chiến lược nâng cấp phát triển thành nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL). Bên cạnh đó, cần chú trọng ba điểm: sáng tạo dịch vụ, quản lí quan hệ khách hàng và mạng lưới tài sản logistics.

Đối với Nhà nước và chính quyền địa phương: Có ba vấn đề nổi trội cần hỗ trợ dịch vụ logisticstại ĐBSCL. Thứ nhất, nâng cao trình độ nguồn nhân lực mới lẫn cũ trong lĩnh vực logistics như mở thêm trung tâm đào tạo logistics chuyên nghiệp cho nhân lực mới; liên kết, liên doanh các DN nước ngoài để tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nhằm tiếp cận công nghệ hiện đại, vốn và kinh nghiệm từ họ, để từ đó nâng cao trình độ logistics chuyên nghiệp cho nhân lực tại ĐBSCL. Thứ hai, đẩy mạnh liên kết giữa DNXKTS, nhà cung cấp dịch vụ logistics và chính quyền địa phương; đẩy mạnh liên kết vùng, học tập kinh nghiệm từ các vùng có hệ thống logistics đã thành công. Thứ ba, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách, các hoạt động hỗ trợ cụ thể nhằm thúc đẩy DN kinh doanh dịch vụ logistics trong khu vực ĐBSCL, cũng như có thêm những ưu đãi riêng phù hợp cho vùng ĐBSCL phát triển hơn nữa hệ thống logistics.

Tạp chí Khoa học trường Đại học Trà Vinh, số 39, tháng 9 năm 2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ