SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của liều lượng phân trùn quế và phân hóa học đến việc cải thiện nguồn dinh dưỡng hữu dụng trong đất, sinh trưởng, năng suất và chất lượng trái đậu cove lùn dạng bụi (Phaseolus vulgaris L.)

[02/05/2024 15:42]

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Tất Anh Thư, Nguyễn Nhựt Hào, Đặng Quốc Đạt và Võ Thị Bích Thủy thuộc Trường Nông nghiệp- Đại học Cần Thơ và Sinh viên nghiên cứu khoa học ngành Nông học Khóa 45, Trường Nông nghiệp - Đại học Cần Thơ.

Đậu cove (Phaseolus vulgaris L.) là loài cây có nhiều giá trị dinh dưỡng, kinh tế và sinh thái. Hạt đậu cove chứa nhiều protein, giàu năng lượng, khoáng, vitamin và xơ nên có giá trị dinh dưỡng cao (De Almeida Costa et al., 2006; Keskin et al., 2022). Nhờ vào các giá trị trên, cây đậu cove được trồng rộng rãi, khắp nơi trên thế giới (Jones, 1999). Trong tất cả các loại đậu, đậu cove lùn dạng bụi là giống đậu mới du nhập vào Việt Nam, chưa tìm thấy giống địa phương, do có hương vị ngon và tiềm năng lớn về năng suất, cây sinh trưởng phát triển mạnh, ưu nắng, thích hợp cho vùng nhiều gió, không cần làm giàn cho cây leo do cây chỉ cao khoảng 50 – 60cm, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất ngang bằng với đậu cove leo giàn, cần tăng mật độ hợp lý để tăng năng suất trên một đơn vị diện tích (Rahman et al., 2013; Tugume, 2018).

Phân bón hóa học thường cung cấp một lượng lớn chất dinh dưỡng vào đất trong một khoảng thời gian tương đối ngắn và do đó các phản ứng của cây trồng (tức là năng suất) thường rõ ràng (Thy & Buntha, 2005; Hoque et al., 2022). Trong nhiều thậpkỷ qua, phân bón hóa học đã được sử dụng rộng rãi, phổ biến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các tác động tiêu cực của phân bón vô cơ đến môi trường đất, nước và môi trường cũng đã được ghi nhận (Li et al., 2015; Kedir & Bililtu, 2022). Phân trùn quế là một trong các loại phân hữu cơ tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng và hệ vi sinh vật trong phân rất phong phú. Phân trùn quế được tạo ra bằng cách phân hủy chất thải hữu cơ của giun đất ví dụ như chất thải thực phẩm, chất thải trồng trọt, phân gia cầm và bùn thải của ngành công nghiệp thực phẩm) (Huang et al., 2014; Lalander et al., 2015). Phân trùn quế là một nguồn dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng và các nguyên tố dinh dưỡng khoáng trong phân trùn quế dễ dàng được cây trồng hấp thu. Ngoài ra, phân trùn quế có cấu trúc dạng hạt mịn với diện tích bề mặt lớn, cho phép hấp thụ và giữ lại các chất dinh dưỡng (Shi-Wei & Fu-Zhen, 2019). Nhiều nghiên cứu cũng đã ghi nhận trong phân trùn quế có chứa một lượng lớn các hormone thực vật (IAA, GA3, kinetin...) vì lẽ đó sử dụng phân trùn quế giúp cải thiện hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đất, mật số vi sinh vật đất, năng suất cây trồng (Masciandaro et al., 1997; Arancon et al., 2003; Ravindran et al., 2016; Zaremanesh et al., 2017). Việc sử dụng phân trùn quế làm phân bón hữu cơ kết hợp với nguồn phân bón vô cơ được xem là giải pháp tốt, có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, những thông tin về liều lượng phân trùn quế trong trồng đậu cove lùn dạng bụi còn rất ít, hầu như không có. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định liều lượng phân trùn quế kết hợp phân bón hóa học đến cải thiện đặc tính hóa học - sinh học đất và năng suất, chất lượng trái đậu cove lùn dạng bụi.

Qua quá trình nghiên cứu, có một số kết luận như sau: Giá trị pH đất, hàm lượng lân hữu và tổng vi khuẩn trong đất thay đổi theo liều lượng phân bón NPK, theo liều lượng phân trùn quế. Bón 100% NPK kết hợp 30 tấn/ha phân trùn quế giúp pH, lân hữu dụng và tổng vi khuẩn trong đất tăng cao khác biệt thống kê so với không bón phân trùn quế. Ngược lại, liều lượng đạm hữu dụng trong đất thay đổi theo liều lượng phân bón NPK, theo liều lượng phân trùn quế. Tuy nhiên, không ảnh hưởng tương tác giữa liều lượng phân NPK kết hợp liều lượng phân trùn quế.

Sự thay đổi liều lượng NPK và liều lượng phân trùn quế có ảnh hưởng rõ rệt đến chiều cao cây, số cành/cây, tổng số trái, chiều dài trái và năng suất trái. Bón 100% NPK kết hợp 30 tấn/ha phân trùn quế cho chiều cao cây, số cành/cây, tổng số trái, chiều dài trái và năng suất trái đạt cao nhất.

Độ Brix và hàm lượng nitrate trong trái đậu cove thay đổi theo liều lượng NPK, theo liều lượng phân trùn quế. Tuy nhiên, sự gia tăng động Brix không ảnh hưởng tương tác giữa liều lượng NPK và liều lượng phân trùn quế. Ngược lại, hàm lượng nitrate trong trái đậu tươi có ảnh hưởng tương tác với liều lượng NPK và liều lượng phân trùn quế. Bón 100% NPK kết hợp 30 tấn/ha phân trùn quế có sự tích lũy nitrate trong trái thấp hơn bón 100% NPK kết hợp 20 tấn/ha phân trùn quế, nitatrate cao nhất ở mức bón 100% NPK không bón phân trùn quế.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 3B (2023): 110-118
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài