SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá thực trạng và khả năng tái sử dụng nước làm nước cấp cho sinh hoạt của một số nguồn thải trên địa bàn tỉnh An Giang

[02/05/2024 20:24]

Nghiên cứu này bước đầu nhằm đánh giá thực trạng và khả năng tái sử dụng nước của một số nguồn thải trên địa bàn tỉnh An Giang làm nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

Ảnh minh họa.

Tái sử dụng nước là một biện pháp cần được quan tâm bởi nhiều quốc gia nhằm giảm áp lực trong lĩnh vực cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, việc tái sử dụng nước cho các mục đích khác nhau phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nước, công nghệ xử lý và quản lý hoạt động xả thải. Nghiên cứu này nhằm bước đầu đánh giá thực trạng một số nguồn thải trên địa bàn tỉnh An Giang và khả năng tái sử dụng nước cấp nước cho sinh hoạt thông qua việc phân tích đặc điểm nguồn thải, đặc tính công nghệ từ đó đề xuất tiềm năng tái sử dụng nước thải cho mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh An Giang

Nhóm nghiên cứu Trần Thị Minh Hằng (Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cùng các cộng sự đã tiến hành lấy mẫu tại 12 vị trí được chọn và phân tích với 21 chỉ tiêu chất lượng nước tại mỗi vị trí. Kết quả phân tích về chất lượng nước được so sánh với quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nước mặt phục vụ cho mục đích làm nước cấp sinh hoạt.

 Kết quả cho thấy, các thông số nhiệt độ, pH, một số kim loại nặng như As, Cr, Pb, Cu đều nằm trong giới hạn cho phép trong khi TSS, COD, Fe, NH4+ , PO43- và coliforms đều vượt giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, việc xuất hiện của các kháng sinh cũng là nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép được phát hiện chủ yếu thuộc nguồn nước thải sinh hoạt và nông nghiệp do chưa được đầu tư xử lý hoặc tiếp nhận nước thải từ các hoạt động sinh hoạt, nước mưa chảy tràn, hoạt động nông nghiệp và thủy sản. Nguồn nước nội đồng tại khu vực nghiên cứu, kết quả tính toán WQI theo 5 nhóm thông số cho thấy WQI dao động từ 52-65 được đánh giá có chất lượng nước trung bình - phù hợp với sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Các nhóm công nghệ xử lý nước và chính sách quản lý được đề xuất trong nghiên cứu nhằm loại bỏ các chất ô nhiễm, tái sử dụng nước làm nguồn nước cấp sinh hoạt trong bối cảnh thiếu nước sạch, khan hiếm nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bạn đọc có thể tìm đọc nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2024, Tập 765, trang 60-74.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2024, Tập 765.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài