SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ước tính nhu cầu nước cho cây đậu nành rau được trồng trên đất xám bạc màu ở Tri Tôn, An Giang

[02/05/2024 20:30]

Đậu nành rau đang là lựa chọn hấp dẫn cho nhiều vùng chuyên canh rau, nhưng biến đổi khí hậu và nắng nóng mùa khô đang làm cho tình trạng thiếu nước tưới ngày càng trầm trọng, đặc biệt tại Tri Tôn, An Giang.

Ảnh minh họa.

Để tính toán nhu cầu nước cho cây trồng (ET), người ta thường sử dụng các phương pháp như Penman-Monteith, Hargreaves, hoặc Blaney-Criddle.  Có thể thấy những phương pháp tính ET đòi hỏi dữ liệu khí tượng chính xác. Nếu dữ liệu không được thu thập đúng cách hoặc không đủ chi tiết, kết quả tính toán không chính xác. Thêm vào đó, những phương pháp này khá phức tạp, yêu cầu kiến thức chuyên môn để hiểu và áp dụng đúng cách. Điều này gây khó khăn cho nông dân hoặc các nhà quản lý không có nền tảng kỹ thuật. Do những lý do đó, việc sử dụng phương pháp đo bằng thùng, hay còn gọi là phương pháp lysimeter, là một cách tiếp cận thực tế và đáng tin cậy để đo lường nhu cầu nước của cây trồng (ET) cũng như lượng nước thất thoát do thấm.   

Vì thế tác giả Trần Thị Hồng Ngọc (Khoa Kỹ thuật Công nghệ Môi trường, Trường Đại học An Giang - ĐHQG-HCM) cùng các cộng sự  đã thực hiện nghiên cứu này nhằm khám phá các biện pháp tiết kiệm nước, tập trung vào việc trồng đậu nành rau trên đất xám bạc màu, với hai nghiệm thức: phủ rơm và không phủ rơm. Dựa trên phương trình cân bằng nước và đo lường mực nước hàng ngày trong các thùng có đáy và không đáy đặt tại ruộng thí nghiệm để ước tính lượng bốc thoát hơi nước và thấm của đất tại Tri Tôn, An Giang.

Kết quả cho thấy nghiệm thức không phủ rơm nhu cầu nước cho cây trồng (ET) là 12.250m3 /ha và nhu cầu nước tưới tiêu là 19.720 m³/ha, trong khi nghiệm thức phủ rơm tiết kiệm được khoảng 1.040 m³/ha, giảm đáng kể so với không phủ rơm. Năng suất đậu nành rau đạt từ 5,1 đến 6,5 tấn/ha. Ngoài việc tiết kiệm nước, phủ rơm còn thúc đẩy sự phát triển cây, tăng chiều cao, số lá và tỷ lệ hạt chắc. Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phủ rơm trong việc tiết kiệm nước và tăng năng suất, đặc biệt hữu ích cho những khu vực đối mặt với khan hiếm nước và biến đổi khí hậu giống như Tri Tôn.

Bạn đọc có thể tìm đọc nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2024, Tập 765, trang 47-59.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2024, Tập 765.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài