SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng ảnh radar Sentinel-1 giám sát tình hình sạt lở và bồi tụ tại tỉnh Cà Mau

[02/05/2024 20:35]

Tại Việt Nam, tình hình biến động xảy ra khá nghiêm trọng tại hầu hết các vùng ven biển và các con sông lớn. Cà Mau là một trong những tỉnh tại đồng bằng Sông Cửu Long đang phải đối mặt với thách thức sạt lở đường bờ biển tạo ra mối đe doạ lớn đến môi trường sinh thái.

Ảnh minh họa.

Các tỉnh ven biển tại đồng bằng Sông Cửu Long đa số đều bị sạt lở như điển hình như mũi Cà Mau thường xuyên xuất hiện hiện tượng xói lở và bồi tụ trên diện rộng được xác định bằng công cụ DSAS (Digital Shoreline Analysis System) với ngưỡng phân tách nước lớn hơn 1 khi sử dụng ảnh tỷ số Green/SWIR và Green/NIR. Mặt khác, vẫn còn tồn tại khó khăn trong việc chiết tách mặt nước và đất liền trên ảnh vệ tinh bằng các sử dụng ngưỡng toàn cục đã được chứng minh qua thực nghiệm tại nhiều khu vực khác nhau. Do đó, cần sử dụng phương pháp có khả năng tính toán tự động giá trị phân ngưỡng cục bộ tại mỗi thời điểm khác nhau và cho từng khu vực khác nhau về mặt địa lý, điển hình như sử dụng phương pháp OTSU. Do đó, nhóm nghiên cứu Lương Thanh Long (Đoàn Đo Đạc, Biên Vẽ Hải Đồ Và Nghiên Cứu Biển) và các cộng sự đã sử dụng phương pháp OTSU để xác định tự động giá trị phân ngưỡng đối tượng mặt nước và đất liền giúp phân định đường bờ, dựa vào biểu đồ Histogram theo phân phối nhị thức cho từng thời điểm 2015 và 2024 trên ảnh radar Sentinel-1.

Qua phân tích biến động đường bờ giai đoạn 2015-2024 trên nền tảng Google Earth Engine cho thấy đường bờ các vùng ven biển có sự biến động khá lớn như tình trạng sạt lở có xu hướng chiếm ưu thế hơn quá trình bồi tụ. Điển hình, huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Năm Căn tại phía bờ biển Đông xảy ra sạt lở nghiêm trọng hơn so với các huyện của bờ biển phía Tây và đồng thời diện tích các bãi bồi cũng được mở rộng do quá trình bồi lắng phù sa tại Đất Mũi huyện Ngọc Hiển và phía Tây huyện Năm Căn. Trong đó, đường bờ huyện Ngọc Hiển biến đổi khá phức tạp với hoạt động sạt lở chiếm ưu thế và đáng báo động nhất, nhưng hiện tượng bồi tụ phù sa hình thành các bãi bồi tại Mũi Cà Mau có xu hướng bồi lắng nhanh chóng góp phần kéo dài phần đất liền cho tỉnh Cà Mau nói riêng và cho lãnh thổ Việt Nam nói chung. Kết quả nghiên cứu sẽ là tiền đề hỗ trợ cho công tác quản lý giám sát chặt chẽ tình trạng biến động đường bờ tại tỉnh Cà Mau trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Bạn đọc có thể tìm đọc nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2024, Tập 765, trang 27-38.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2024, Tập 765
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ