SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng hệ thống Aquaponics trong trang trí cảnh quan ban công nhà ở tại Hưng Yên

[03/05/2024 09:54]

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Phạm Thị Bích Phương Vũ Đức Trung và Li Shuhua thuộc Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Lớp Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, khoá 63, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Khoa Kiến trúc, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 3B (2023): 102-109.

Thiết kế cảnh quan ban công (vườn sân thượng, vườn trên mái) là việc vận dụng những kiến thức trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng, nông nghiệp và môi trường để tạo dựng không gian sống xanh, sạch, đẹp đáp ứng nhu cầu giải trí và các hoạt động khác của xã hội (Anh, 2021; Thuỷ, 2021). Quá trình đô thị hoá dẫn đến diện tích cây xanh đô thị thu hẹp và nhường chỗ cho những toà nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chung cư,… Quá trình này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người dân đô thị (Hưng, 2021). Thiết kế cảnh quan vườn trên mái là giải pháp hữu hiệu để tăng không gian xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân đô thị (Kenny, 2014; Hậu, 2021). Kỹ thuật trồng cây xanh trên mái nhà có tác động đáng kể đến ngành thiết kế cảnh quan và được ứng dụng rộng rãi trên thế giới vào cuối thế kỉ 20 (Cẩm, 2014; Thuỷ, 2021). Trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) ấn tượng với khu vườn trên mái lớn, nhiều cây xanh kiến tạo không gian thư giãn (Chi, 2016). Trên nóc công viên kim tự tháp Fukuoka ACROS (Nhật Bản) được cải tạo thành một khu vườn trên mái khổng lồ với khoảng 50 nghìn cây xanh, chiếm diện tích 5400 m2. Khu vườn trên mái khách sạn Marriott tại Hà Nội được phủ xanh với lối kiến trúc và thảm thực vật độc đáo.

Mô hình Aquaponics được xem là phương thức kết hợp trồng rau thuỷ canh và nuôi cá tuần hoàn, chất thải của cá được sử dụng làm phân bón cho cây trồng (Simon et al., 2015; Wei et al., 2019; Lance, 2021; Lorenzo et al., 2021). Tại các nước phát triển như Israel, Mỹ, Nhật, Châu Âu nơi điều kiện kinh tế phát triển, nguồn tài nguyên đất không nhiều thì mô hình Aquaponics sử dụng nhiều cho mục đích kinh doanh thực phẩm (rau củ quả và cá) an toàn, phù hợp với xu hướng hướng tới chuỗi giá trị tích hợp hơn (Palm et al., 2018). Đây cũng là một xu hướng mới tại thị trường Việt Nam trong những năm gần đây, ứng dụng hệ thống Aquaponics tuần hoàn khép kín bao gồm hệ thống trồng rau thuỷ canh và nuôi trồng thuỷ sản vào thiết kế cảnh quan ban công. Ngoài ra, thiết kế mô hình được vận hành tự động hóa giúp giảm công lao động chăm sóc, tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả sử dụng.

Hiện nay, tại các thành phố lớn của Việt Nam, nhu cầu thiết kế cảnh quan vườn trên mái tăng cao. Kết quả khảo sát nhu cầu trang trí ban công của người dân thành phố Hà Nội khá đa dạng, 30% người dân có nhu cầu trang trí ban công để phục vụ giải trí, 43% người dân có nhu cầu trang trí ban công để thực hiện các hoạt động làm vườn và chăm sóc cây xanh, 95% người dân có nhu cầu trang trí ban công với mục đích trang trí và cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình. Không gian xanh trong các toà chung cư đô thị thường bị hạn chế trong các không gian nội thất và ban công. Sau một ngày làm việc mệt mỏi thì việc tìm cho bản thân một không gian thư giãn là một nhu cầu thiết yếu của con người. Chính vì những lý do trên, việc ứng dụng mô hình Aquaponics trong thiết kế cảnh quan ban công ngày càng phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội. Trong bài viết này, kết quả nghiên cứu ứng dụng cho một công trình nhà riêng tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, quy mô nhà 2 tầng được thiết kế theo phong cách hiện đại, diện tích ban công thiết kế là 10,35m2 được chia sẻ. Mục tiêu của công trình này là nghiên cứu phương án thiết kế cảnh quan ban công phù hợp dựa trên nhu cầu thực tiễn của khách hàng, kiến tạo không gian sống xanh, sạch, đẹp và cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình bằng việc sử dụng hệ thống Aquaponics trồng rau và nuôi cá tuần hoàn.

Qua quá trình nghiên cứu có thể kết luận là thiết kế cảnh quan ban công đang là xu hướng phát triển của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam, kiến tạo không gian xanh và cải thiện môi trường sống của người dân đô thị. Công trình ban công nhà riêng tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hình chữ nhật, có diện tích 10,35 m2. Hiện trạng ban công chưa được trang trí cảnh quan. Gia đình khách hàng có 5 thành viên cùng chung yêu cầu trang trí cảnh quan ban công thành không gian nghỉ dưỡng, kết hợp trồng rau và nuôi cá sạch phục vụ bữa cơm gia đình. Từ những kết quả phân tích hiện trạng ban công và nhu cầu của khách hàng, nhóm nghiên cứu đã đưa ra phương án thiết kế với 2 khu công năng bao gồm mô hình Aquaponics và khu ngồi nghỉ. Phương án thiết kế đã ứng dụng thành công hệ thống Aquaponics trồng rau và nuôi cá tuần huàn kết hợp trang trí cảnh quan ban công theo cả không gian đứng và ngang, đáp ứng 54% nhu cầu tiêu thụ rau của gia đình với mức chi phí đầu tư thấp. Ngoài ra, không gian ngồi nghỉ là nơi ngắm hoa thưởng trà, đem lại trải nghiệm thú vị cho các thành viên trong gia đình sau những ngày làm việc mệt mỏi. Kết quả nghiên cứu này đã cho thấy hiệu quả của việc kết hợp mô hình sản xuất nông nghiệp sạch trong trang trí cảnh quan nhà ở dân cư, là tài liệu tham khảo cho những nghiên cứu cùng lĩnh vực.

Bên cạnh đó, có một số kiến nghị như sau:

Trong quá trình sử dụng, gia chủ cần thường xuyên theo dõi và bảo trì hệ thống Aquaponics cũng như duy tu cây hoa, cây cảnh trang trí để có hiệu quả cao và bền đẹp theo thời gian.

Trong nghiên cứu này, phương án thi công cảnh quan được thực hiện dựa trên mức độ đầu tư của khách hàng. Trong điều kiện chi phí đầu tư cao hơn, ta có thể thay thế bằng các vật liệu có tính thẩm mỹ cao như thép không gỉ và mạ trang trí bề mặt.

Quy mô ứng dụng mô hình cảnh quan này nên được mở rộng cho người dân sinh sống tại các vùng hạn chế về đất và nước canh tác nông nghiệp. Tiêu biểu là người dân sống trong các đô thị lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các vùng hải đảo của Việt Nam.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 3B (2023): 102-109.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài