Đánh giá tính dễ tổn thương do xâm ngập mặn đến nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long
Vùng ĐBSCL không chỉ là một trong những khu vực nông nghiệp chính của Việt Nam, mà còn là trọng điểm của nền kinh tế và sinh thái quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, khí hậu trong vùng biến đổi theo hướng không thuận lợi cho hoạt động nông nghiệp.
Ảnh minh họa.
Những vấn đề như thiếu nước ngọt trong mùa khô, thay đổi mùa mưa, và sự tăng mực nước dâng đã dẫn đến sự xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Khu vực các cửa sông của ĐBSCL, là bộ phận quan trọng của dòng sông Mê Kông, chịu ảnh hưởng đồng thời từ sông Mê Kông và thủy triều. Nhóm nghiên cứu Trần Thị Kim (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM) cùng các cộng sự đã tập trung đánh giá tính dễ bị tổn thương do xâm nhập mặn đến nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, có xét đến ảnh hưởng nước biển dâng bằng phương pháp AHP và mô hình hóa. Khu vực nghiên cứu bao gồm 13 tỉnh: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, và Cà Mau. Các thành phần về khả năng thích ứng, phơi nhiễm và độ nhạy của ngành nông nghiệp được tính toán và từ đó, xác định mức độ tổn thương của từng tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2020 và dự báo đến 2050.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các chỉ số tổn thương có sự thay đổi trong các tỉnh ĐBSCL, tỉnh Trà Vinh có chỉ số tổn thương tăng đến 62,16 năm 2050, trong khi năm 2020 chỉ ghi nhận được 55,74. Chỉ số tổn thương ở Vĩnh Long và Kiên Giang ghi nhận dấu hiệu giảm, còn tương ứng 43 và 58,92, so với năm 2020 là 61,36 và 59,3. Kết quả nghiên cứu cho thấy được tính dễ bị tổn thương do xâm nhập mặn đến nông nghiệp, đây là cơ sở khoa học phục vụ cho các quy hoạch nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL ứng với tương lai khi có ảnh hưởng của nước biển dâng.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2023, Tập 755(1), trang 67-82.
Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2023, Tập 755(1).