Đặc điểm hình thái loài ong Brachymeria kamijoi Habu, 1960 (Hymenoptera: Chalcididae) ký sinh nhộng sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella Walker, 1864 (Lepidoptera: Xyloryctidae) tại Việt Nam
Sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella Walker, 1864 (Lepidoptera: Xyloryctidae), là một loài dịch hại ngoại lai xâm hại nguy hiểm, mới xuất hiện tại tỉnh Bến Tre trong những năm gần đây, sâu ăn phá các tàu lá dừa và trái non làm giảm đáng kể năng suất, chất lượng của cây dừa. Để kiểm soát loài sâu đầu đen, biện pháp sử dụng thiên địch được xem là biện pháp hiệu quả và ưu tiên hàng đầu ở nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan. Trong các loài thiên địch của sâu đầu đen, ong ký sinh nhộng Brachymeria spp. (Hymenoptera: Chalcididae) với nhiều loài được tìm thấy phổ biến và có tiền năng kiểm soát hiệu quả sâu đầu đen trên đồng ruộng như B. lanus, B. nosatoi, B. nephantidis và B. euploeae. Tại Việt Nam, loài B. kamijoi đã được lần đầu tiên ghi nhận trong quá trình điều tra thành phần thiên địch của sâu đầu đen tại Bến Tre.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành mô tả đặc điểm hình thái, nhận dạng của loài ong ký sinh B. kamijoi, góp phần cung cấp thêm thông tin cơ bản để tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu về sinh học, sinh thái và sử dụng loài ong ký sinh này như một tác nhân kiểm soát sinh học sâu đầu đen một cách hiệu quả.
1. Nhân nguồn sâu đầu đen và ong ký sinh
1.1. Nhân nguồn nhộng sâu đầu đen hại dừa
Tiến hành thu mẫu sâu đầu đen trên các vườn dừa bị gây hại, chưa phun thuốc bảo vệ thực vật tại tỉnh Bến Tre. Sau đó, tách riêng nhộng (để thu ong ký sinh) và sâu non sâu đầu đen (để nhân nuôi). Sâu non sâu đầu đen được nhân nuôi trong hộp nuôi côn trùng (kích thước 15 x 10 x 7,5 cm) có đặt sẵn lá dừa già làm thức ăn, lá dừa được thay thế hằng ngày. Tiếp tục nhân nuôi sâu đầu đen trong phòng thí nghiệm khoảng 2 - 3 thế hệ trước khi thu nhộng làm ký chủ cho ong ký sinh. Sâu đầu đen được nhân nuôi ở điều kiện nhiệt độ 28 ± 20C, ẩm độ 75 ± 5%, thời gian chiếu sáng là 12 giờ.
1.2. Nhân nguồn ong ký sinh B. kamijoi
Nhộng sâu đầu đen sau khi thu thập và tách riêng trong quá trình thu mẫu được cho vào hộp đựng côn trùng có kích thước 20 × 15 × 10 cm có lưới thông thoáng. Khi ong vũ hóa, tiến hành định danh (định danh hình thái theo tài liệu mô tả của Narendran và van Achterberg và kết hợp gửi mẫu định danh tại Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật) và đồng thời thu thập ong B. kamijoi để tiếp tục nhân nuôi bằng nhộng sâu đầu đen trong điều kiện nhiệt độ 28 ± 20C, ẩm độ 75 ± 5%, thời gian chiếu sáng là 12 giờ. Ong B. kamijoi sau khi vũ hóa cho bắt cặp giao phối trong các hộp nuôi côn trùng (15 × 10 × 7,5 cm) và cho ăn thêm mật ong pha loãng (10%). Sau đó cho ong ký sinh được cho tiếp xúc với ký chủ là nhộng của sâu đầu đen (2 - 3 ngày tuổi) để ký sinh trong 24 giờ. Nhộng bị ký sinh được chuyển sang hộp nhân nuôi khác để chờ vũ hóa, thay thế nguồn nhộng sâu đầu đen hàng ngày trong các hộp nhân nuôi.
1.3. Phương pháp thực hiện
Cho 30 cặp ong B. kamijoi (2 ngày tuổi, đã bắt cặp giao phối) tiếp xúc với 150 nhộng sâu đầu đen hại dừa vào lồng nhân nuôi côn trùng (kích thước 30 × 30 × 25 cm)có bông tẩm mật ong (10%) và nước. Sau 24 giờ, tách nhộng đã được ký sinh sang hộp nhân nuôi (kích thước 15 × 10 × 7,5 cm), hằng ngày giải phẫu 5 nhộng sâu đầu đen hại dừa để xác định các pha phát triển và mô tả, đo kích thước các giai đoạn phát dục các pha cơ thể của ong ký sinh B. kamioi dưới kính hiển vi soi nổi.
1.4. Chỉ tiêu theo dõi
Chụp hình mô tả đặc điểm hình thái từng pha cơ thể: pha trứng, ấu trùng, nhộng, trưởng thành của ong B. kamijoi.
Trứng: Quan sát hình dạng, màu sắc, đặc điểm bên ngoài và đo kích thước (chiều rộng đo nơi rộng nhất của trứng).
Ấu trùng: Quan sát hình dạng, màu sắc, đặc điểm bên ngoài và đo kích thước sâu non 1 ngày tuổi, 5 ngày tuổi và 9 ngày tuổi.
Nhộng: Quan sát hình dạng, màu sắc, đặc điểm bên ngoài và đo kích thước.
Ong trưởng thành: Quan sát màu sắc, hình dạng các bộ phận trên cơ thể (đầu, râu đầu, cánh trước, cánh sau, ống đẻ trứng, bộ phận giao cấu), nhận biết ong đực ong cái đo kích thước (chiều rộng đo nơi rộng nhất ở ngực).
2. Kết luận
Ong Brachymeria kamijoi lần đầu tiên được ghi nhận ký sinh trên giai đoạn nhộng của sâu đầu đen hại dừa có đặc điểm cơ thể màu đen được bao phủ một lớp lông tơ mỏng. Mảnh lưng ngực sau của ong có hình cầu, lõm vào. Đốt đùi chân sau phình to có màu đen, có 13 gai nhọn nằm mặt dưới đốt đùi, đốt chày chân sau cũng có màu đen, ngoại trừ một đốm nhỏ phía dưới có màu vàng nhạt. Chiều dài và chiều rộng trung bình của ong cái lần lượt là 4,17 ± 0,15 mm và 1,35 ± 0,03 mm; tương ứng ở con đực là 3,22 ± 0,18 mm và 1,18 ± 0,11 mm, ong cái lớn hơn ong đực.
Các giai đoạn trứng, sâu non, và nhộng của ong ký sinh phát triển bên trong nhộng sâu đầu đen. Trứng ong B. kamijoi hình bầu dục, chiều dài trung bình là 0,60 ± 0,06 mm. Sâu non của ong B. kamijoi có màu trắng đục sau đó chuyển dần sang màu trắng ngà, gồm 11 đốt, chiều dài trung bình 0,94 ± 0,09 mm, đạt 5,23 ± 0,10 mm ở 9 ngày tuổi. Nhộng của ong kí sinh B. kamijoi là nhộng trần, ban đầu có màu trắng sữa, sau đó chuyển dần sang màu đen, chiều dài trung bình là 3,88 ± 0,07 mm.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp - Trường ĐH Nông Lâm – Đại học Huế (tập 7, số 1, năm 2023)