Tác động của hiện tượng El Nino đến hạn hán đồng bằng sông Cửu Long
Trong bài báo này, quan hệ El Nino với nóng lên toàn cầu được nghiên cứu dựa trên số liệu chỉ số Nino đại dương (ONI) và nhiệt độ trung bình toàn cầu thời kỳ 1951-2023 của NOAA. Kết quả cho thấy, trong hơn 60 năm qua đã xảy ra 23 đợt El Nino trong đó có 9 đợt El Nino mạnh, 9 đợt El Nino yếu và 5 đợt trung bình, số lượng các đợt El Nino mạnh xuất hiện trong 3 thập kỷ gần đây (1981-2020) nhiều hơn so với 3 thập kỷ trước (1951-1980).
Hiện tượng ENSO (El Nino - Dao động Nam) đã được biết đến từ lâu do ảnh hưởng của nó đến các hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu. Ngoài những ảnh hưởng có thể nhận biết về kinh tế - xã hội, hiện tượng ENSO còn được thể hiện rõ qua các điều kiện và hiện tượng khí quyển và đại dương trên khu vực xích đạo Thái Bình Dương, nơi xuất hiện hiện tượng này.
Các chỉ số ENSO được xây dựng và sử dụng trong việc nghiên cứu và dự báo ENSO hoặc những hệ quả thời tiết do chúng gây ra. Các chỉ số này có thể dựa trên yếu tố đơn như nhiệt độ, khí áp, mưa, hay phức hợp nhiều yếu tố. Có những chỉ số phản ánh hệ quả trực tiếp trong hệ thống khí quyển - đại dương xảy ra trên khu vực hình thành và phát triển của hiện tượng ENSO (xích đạo Thái Bình Dương) và những chỉ số phản ánh hệ quả thời tiết trong thời kỳ hoạt động của ENSO ở các vùng ngoài Thái Bình Dương thường mang tính địa phương nhiều hơn. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào diễn biến của ENSO và những tác động của chúng đến kinh tế, xã hội; Trên thực tế, trong thời gian qua, hiện tượng ENSO xảy ra trong điều kiện biến đổi khí hậu, cụ thể là trong xu thế nóng lên toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là mối quan hệ giữa nóng lên toàn cầu và ENSO thế nào? Một số tác giả đã nghiên cứu vấn đề này và đa số đều cho rằng nóng lên toàn cầu thúc đẩy và làm tăng cường độ của ENSO.
Các nghiên cứu ảnh hưởng của ENSO đến các hiện tượng khí hậu cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đã đưa ra nhận định rằng hiện tượng ENSO trong những thập kỷ gần đây, nhất là từ hiện tượng El Nino 1982-1983, diễn ra mạnh mẽ hơn những thập kỷ trước đó, tiêu biểu là hiện tượng El Nino 1997-1998, có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu, làm tăng tính biến động, tính dị thường và tính cực đoan của các yếu tố khí hậu và hiện tượng thời tiết.
Diễn biến và xu thế biến đổi của chuẩn sai nhiệt độ trung bình toàn cầu và chỉ số ONI trong thời kỳ 1951-2023
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino, dự báo hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì tới các tháng đầu năm 2024 với xác suất khoảng 85 - 95%. Vì vậy trong các tháng mùa khô 2023 - 2024 nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nguy cơ xảy ra ở cấp độ cao (cấp độ 3 - 4), trên phạm vi rộng, kéo dài ở một số vùng trên cả nước; đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khả năng xảy ra đến mùa khô năm 2024 - 2025.
Kết quả phân tích biên độ dao động của chỉ số ONI trong 3 thập kỷ gần đây so với 3 thập kỷ trước cho thấy, xu thế nóng lên toàn cầu làm tăng tính biến động của nhiệt độ bề mặt nước biển trên khu vực phía Đông và trung tâm xích đạo Thái Bình Dương. Điều đó làm tăng biên độ dao động của chỉ số ONI trên vùng Nino 3.4, qua đó tăng cường độ của các sự kiện ENSO trong khoảng 30 năm qua so với các thập kỷ trước đó. Bên cạnh đó, kết quả phân tích tác động của một số đợt El Nino đến hạn hán khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong 3 thập kỷ gần đây cho thấy, trong những đợt El Nino lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm làm cho hạn hán ở khu vực thường bắt đầu sớm, kéo dài và có cường độ nặng hơn so với trung bình nhiều năm.
Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu, số 29 - Tháng 3/2024