Mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng ở bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng cấp tính (nhiễm toan ceton và/hoặc tăng áp lực thẩm thấu)
Các biến chứng tăng đường huyết cấp tính của bệnh Đái tháo đường là một trong những lý do chính buộc bệnh nhân phải nhập viện. Nghiên cứu thực hiện bởi Nguyễn Minh Tuấn Anh - Trường Đại học Y Hà Nội và Nguyễn Khoa Diệu Vân - Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai với mục tiêu là mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân Đái tháo đường có biến chứng cấp tính (nhiễm toan ceton và/hoặc tăng áp lực thẩm thấu).
Đái tháo đường là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hoá được đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu do sự thiếu hụt một phần hoặc toàn bộ insulin, mất tác dụng của insulin hoặc cả hai lý do trên. Đái tháo đường được chia ra thành: đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2, đái tháo đường thai kỳ và các thể chuyên biệt của đái tháo đường. Các nghiên cứu gần đây đều chứng minh tăng đường huyết cấp tính là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng xấu đến tiên lượng của bệnh nhân đái tháo đường.
Số lượng bệnh nhân đái tháo đường nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai do biến chứng tăng đường huyết cấp tính (nhiễm toan ceton và/hoặc tăng áp lực thẩm thấu) ngày càng gia tăng. Hiện nay, trên thế giới và ở Việt Nam đã có một số nghiên cứu về tỷ lệ gặp biến chứng nhiễm toan ceton hay biến chứng tăng áp lực thẩm thấu ở bệnh nhân đái tháo đường.
Nghiên cứu mô tả cắt ngang và tiến cứu trên 48 bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng tăng đường huyết cấp tính nhập viện tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường và Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai từ 01/2023-08/2023. Bệnh nhân được thu thập các triệu chứng lâm sàng của biến chứng tăng đường huyết cấp tính (rối loạn ý thức, dấu hiệu mất nước, buồn nôn, nôn, triệu chứng đường máu cao, nhiễm trùng); chỉ định cận lâm sàng Glucose máu, HbA1c). Số liệu thu thập được xử lý trên phần mềm thống kê y học SPSS 20.0. Sử dụng các thuật toán: tần suất, tỷ lệ với các biến định tính; trung bình, phương sai với các biến định lượng; các test thống kê để kiểm định, mức khác biệt có ý nghĩa p < 0,05.
Kết quả cho thấy tuổi trung bình bệnh nhân là 52,02 ± 19,19 tuổi, hay gặp nhất là ≥ 60 tuổi. Phần lớn bệnh nhân nhập viện có biến chứng tăng đường huyết cấp tính là những bệnh nhân mới được chẩn đoán đái tháo đường (31,3%) và được chẩn đoán trong vòng 5 năm trở lại (43,8%). Khả năng tuân thủ điều trị của bệnh nhân kém, với 60,7% bệnh nhân điều trị thuốc không đều. Glucose máu trung bình lúc nhập viện cao: 39,8 ± 14,2 mmol/L và kiểm soát HbA1c kém với chỉ số HbA1c ≥ 10% chiếm 60,4%.
Biến chứng cấp tính do tăng đường huyết không kiểm soát xuất hiện chủ yếu ở những bệnh nhân mới được chẩn đoán đái tháo đường, chưa được điều trị hay ở những bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị, kiểm soát đường máu kém.
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 533 Số 1 (2023)