SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát sự hiện diện của vi bào tử trùng Enterocytozoon Heparopenaei (EHP) trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus Vannamei) nuôi ở tỉnh Kiên Giang

[10/05/2024 14:12]

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Thanh Tuyền, Trương Quỳnh Như và Nguyễn Trọng Ngữ thuộc Khoa Thủy sản và Khoa Nông Nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 3B (2023): 149-160

Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Năm 2021, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 8.726,6 nghìn tấn, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 4.805,8 nghìn tấn. Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 700.000 ha mặt nước nuôi thủy sản đã trở thành vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản cả nước, hàng năm cung cấp một lượng sản phẩm thủy sản đáng kể cho nước nhà. Trong đó, Kiên Giang là một trong những tỉnh có trữ lượng đa dạng các nguồn thủy sản với giá trị kinh tế cao. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, năm 2021, việc nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 137.415 ha, sản lượng đạt 104.694 tấn. Trong năm 2022, địa phương phát triển nuôi tôm nước lợ với tổng diện tích 140.630 ha, sản lượng 108.500 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp là 4.200 ha, sản lượng là 39.250 tấn.

Có thể thấy, nghề nuôi tôm nước lợ đã phát triển nhanh chóng và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với mức độ thâm canh ngày càng cao. Trong đó, ngoài tôm sú thì tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) cũng là một trong những đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao đang được gia tăng thâm canh hóa. Trước nhu cầu nuôi tôm thương phẩm tăng cao, bên cạnh những thuận lợi khi nuôi tôm theo mô hình sẵn có vẫn còn những khó khăn như thiếu con giống chất lượng tốt, thời tiết bất thường, giá bán không ổn định, dịch bệnh gia tăng, thường xuyên xuất hiện và khó kiểm soát. Các bệnh nguy hiểm trên tôm thường là bệnh do vi rút và vi khuẩn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm xuất hiện mối đe dọa mới xuất phát từ mầm bệnh ký sinh trùng.

Theo đó, bệnh vi bào tử trùng gan tụy (Hepatopancreatic microsporidiosis - HPM) lần đầu tiên được phát hiện nhiễm trên tôm sú Penaeus monodon ở Thái Lan năm 2003 (Chayaburakul et al., 2004). Sau đó, bệnh được mô tả chi tiết và được đặt tên bởi Tourtip et al. (2009). Tác nhân gây bệnh là loài vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), là nhóm vi bào tử trùng có kích thước rất nhỏ (Tourtip et al., 2009). Vi bào tử trùng EHP đã được phân lập trên tôm sú và trên tôm thẻ chân trắng nuôi ở các nước Đông Nam Á. Năm 2010, EHP được ghi nhận xuất hiện trên tôm sú nuôi bị hội chứng phân trắng (WFS) ở Việt Nam. Đây là bệnh mới xuất hiện, gây ảnh hưởng lớn trên tôm thẻ chân trắng nuôi ở Việt Nam.

Tôm nhiễm bệnh thường không có các dấu hiệu bệnh lý đặc trưng. Biểu hiện chung nhất là tình trạng chậm phát triển, tăng trưởng không đồng đều. Tôm bị còi cọc, suy giảm sức khỏe, giảm tiêu thụ thức ăn từ 50 đến 70%. Tôm bị nhiễm bệnh nặng có thể có biểu hiện phân trắng và mất màu ở gan tụy. Từ đó, tôm chết hoặc bị ảnh hưởng đáng kể đến năng suất thu hoạch (Rajendran et al., 2016; Alavandi et al., 2017; Singh & Singh, 2018). Theo Phước (2020), tỷ lệ nhiễm EHP trên tôm giống là 7,0%; trên tôm nuôi tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau là khá cao, 34,1-48,4%. Hiện nay, tình hình nhiễm vi bào tử trùng EHP trên tôm nước lợ ở một số vùng nuôicủa tỉnh Kiên Giang đang có chiều hướng gia tăng. Bệnh do vi bào tử trùng EHP không gây chết hàng loạt như các bệnh do vi rút và vi khuẩn, tuy nhiên có ảnh hưởng rất lớn về kinh tế đối với nghề nuôi tôm vì mức độ phân cỡ và tiêu tốn nhiều thức ăn. Trước những thực tế nêu trên, nghiên cứu này được thực hiện là cần thiết, nhằm đánh giá được tình hình, diễn biến của dịch bệnh, song song đó để hiểu rõ hơn về tác nhân gây bệnh này. Từ đó những biện pháp đối phó với dịch bệnh an toàn và hiệu quả được đưa ra trong nghiên cứu.

Qua quá trình nghiên cứu, có một số kết luận như sau:

Tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh ở Kiên Giang phát hiện nhiễm EHP trong giai đoạn từ tuần nuôi thứ 4. Tôm không có dấu hiệu bệnh lý bên ngoài đặc trưng, chỉ giảm kích cỡ về chiều dài và khối lượng.

Bào tử EHP có cấu tạo bên ngoài dạng hình quả lê hoặc hình trứng, hơi thon nhỏ ở 1 đầu, có kích thước rất nhỏ, thường nằm thành từng cụm/đám trong tế bào gan tụy của tôm hoặc ở dạng tự do riêng rẽ bên ngoài tế bào gan tuỵ. Bào tử EHP chỉ tồn tại trong các mẫu bệnh phẩm từ gan tụy của tôm.

Sản phẩm PCR của các mẫu tôm hiện vạch 510 bp đặc hiệu cho EHP. Trình tự gen EHP phân lập từ tôm thẻ chân trắng ở Kiên Giang tương đồng với trình tự gen EHP trên ngân hàng gen NCBI (KY643648.1) với mức độ tương đồng là 99,8%.

EHP có thể nhiễm trên tôm kéo dài qua các tháng nuôi. Tỷ lệ nhiễm dao động từ 18 đến 65% qua 4 đợt thu mẫu. EHP có ảnh hưởng tiêu cực đến chiều dài và khối lượng của tôm nuôi. Sau 12 tuần nuôi, tôm không nhiễm EHP có chiều dài và khối lượng trung bình (13,6cm, 20,2g) lớn hơn có ý nghĩa so với tôm nhiễm EHP (11,3cm, 11,0g).

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số 3B (2023): 149-160.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ