SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá mức độ biểu hiện miRNA-20a trên bệnh nhân u thần kinh đệm

[14/05/2024 16:21]

U thần kinh đệm (UTKĐ) là khối u não nguyên phát hình thành do sự phát triển bất thường từ tế bào thần kinh đệm chưa biệt hóa hoặc biệt hóa thấp trong não. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự điều hòa tăng cường biểu hiện miR-20a có liên quan đến giai đoạn tiến triển bệnh, khả năng sống sót kém và tử vong cao của bệnh u thần kinh đệm. Nghiên cứu này được thực hiện bởi tác giả chịu trách nhiệm chính Kiều Đình Hùng - Trường Đại học Y Hà Nội và các cộng sự nhằm đánh giá mức độ biểu hiện miR-20a trong máu ngoại vi của bệnh nhân u thần kinh đệm sau phẫu thuật.

U thần kinh đệm (UTKĐ) là khối u nguyên phát phổ biến nhất của não và tủy sống. Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2007, các nhóm u thần kinh đệm chính bao gồm u tế bào hình sao (WHO độ II), u tế bào ít nhánh (WHO độ III), u nguyên bào thần kinh đệm (WHO độ IV). Dạng u thần kinh đệm độ cao phổ biến và ác tính nhất là u nguyên bào thần kinh đệm (Glioblastoma – UNBTKĐ), tiền thân của chúng chủ yếu từ dòng sao bào đệm (Astrocytoma) và tế bào thần kinh đệm ít nhánh (Oligodendroglioma). Do đặc tính xâm lấn, sự đa dạng cả về nguồn gốc tế bào, biến đổi phân tử và đáp ứng với môi trường vi mô ngay cả trong cùng một khối u, đây được coi là loại u não ác tính nhất và tiên lượng xấu.

Bệnh tiến triển rất nhanh, bệnh nhân UNBTKĐ có thời gian sống trung bình chỉ 15 tháng ngay cả khi được điều trị tích cực bằng phẫu thuật cắt bỏ tối đa và hóa xạ trị bổ trợ, tỷ lệ bệnh nhân có thời gian sống trên 5 năm ít hơn 5%. Chẩn đoán xác định u thần kinh đệm hiện nay chủ yếu nhờ vào giải phẫu mô bệnh học sau khi đã can thiệp lấy mẫu bệnh phẩm. Bởi vậy, việc tìm ra một dấu ấn sinh học để chẩn đoán sớm và không xâm lấn là một vấn đề rất cần thiết và được quan tâm nghiên cứu.

MicroRNA (miRNA) là các phân tử RNA không mã hóa, chuỗi đơn, dài khoảng 22 nucleotide, điều hòa biểu hiện gen sau phiên mã bằng cách ức chế dịch mã hoặc làm mất ổn định các bản phiên mã mRNA. miRNA có thể đóng vai trò như một gen gây ung thư hoặc cũng có thể là gen ức chế khối u. Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra sự biểu hiện bất thường của miR-20a trên tế bào u thần kinh đệm có liên quan đến nhiều con đường tín hiệu, bao gồm quá trình tăng sinh tế bào, kháng quá trình chết theo chương trình, sự tự thực bào, qúa trình xâm lấn và di căn, tạo mạch và kháng thuốc. Phân tích biểu hiện miR-20a trong mô thần kinh đệm và huyết thanh đã phát hiện sự điều hòa tăng cường biểu hiện miR-20a có liên quan đến giai đoạn tiến triển bệnh của u thần kinh đệm, khả năng sống sót kém và tử vong cao. Điều này mở ra một hướng nghiên cứu mới về vai trò của dấu ấn sinh học trong chẩn đoán sớm và theo dõi điều trị bệnh u thần kinh đệm ở Việt Nam.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện và thiết kế mô tả cắt ngang có nhóm chứng. Nghiên cứu được tiến hành tại Trung tâm nghiên cứu Gen và Protein - Trường Đại học Y Hà Nội, Khoa phẫu thuật thần kinh 2 - Bệnh viện Việt Đức, Khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện K, từ tháng 1/2023 đến tháng 11/2023 từ 62 bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định là u thần kinh đệm dựa trên kết quả khám lâm sàng và kết quả giải phẫu mô bệnh học sau phẫu thuật loại bỏ khối u và đối chứng bằng kỹ thuật RT-PCR. Kết quả cho thấy, mức độ biểu hiện miR-20a ở nhóm u thần kinh đệm (0,264 ± 0,342) thấp hơn có ý nghĩa thông kê so với nhóm chứng (0,659 ± 0,841), với p < 0,001. Điều này gợi ý mối liên quan giữa sự giảm mức độ biểu hiện miR-20a với bệnh u thần kinh đệm.

Mức độ biểu hiện của miR-20a giảm ở huyết tương của bệnh nhân u thần kinh đệm sau phẫu thuật lấy u so với nhóm chứng, có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Điều này cho thấy có mối liên quan giữa sự giảm mức độ biểu hiện của miR-20a với bệnh u thần kinh đệm sau phẫu thuật lấy u. Kết quả này có thể có ý nghĩa trong theo dõi điều trị bệnh u thần kinh đệm.

Tạp chí Nghiên cứu Y học - Tập 175 Số 2 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài