SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá một số đặc điểm tái phát của bệnh nhân sau cắt gan điều trị ung thư tế bào gan

[15/05/2024 11:02]

Nghiên cứu do các tác giả Phạm Ngọc Hùng - Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp, Trần Công Duy Long - Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện với nhằm mô tả đặc điểm tại thời điểm tái phát của nhóm bệnh nhân được chẩn đoán tái phát sau cắt gan điều trị ung thư tế bào gan tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh từ Tháng 1/2017 – Tháng 6/2022.

Ung thư gan là một trong mười loại ung thư phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam, trong đó ung thư tế bào gan nguyên phát thường gặp nhất chiếm khoảng 80-90% các ca bệnh. Theo GLOBOCAN 2020, mỗi năm thế giới ghi nhận 905.677 (4,7%) ca ung thư gan mắc mới và 830.180 (8.3%) trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, ung thư gan là bệnh lý có tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư với tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi ở nam là 38/100.000 dân và nữ là 9.8/100.000 dân.

Hiện nay trên thế giới có nhiều phác đồ hướng dẫn điều trị ung thư tế bào gan nguyên phát tùy thuộc vào đặc điểm, giai đoạn của khối u. Trong đó ghép gan là biện pháp tối ưu nhất và cũng là duy nhất có thể giúp bệnh nhân điều trị ung thư tế bào gan lẫn các bệnh lý nền của gan. Tuy nhiên các tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân ghép gan rất chặt chẽ đồng thời sự thiếu hụt nguồn tạng ghép so với số lượng bệnh nhân cần ghép tạng là một rào cản rất lớn cho bệnh nhân để tiếp cận phương pháp điều trị này. Do đó phẫu thuật được xem như lựa chọn phù hợp nhất hiện nay. Mặc dù phẫu thuật cắt gan đã có những tiến bộ vượt bậc trong những năm qua nhưng tiên lượng lâu dài sau khi phẫu thuật còn nhiều hạn chế vì tỷ lệ tái phát còn cao từ 50 – 80% ngay cả với những ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát giai đoạn sớm.

Các tác giả tiến hành nghiên cứu mô tả hồi cứu một loạt ca bệnh gồm 238 bệnh nhân tái phát ung thư sau phẫu thuật cắt gan tại bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ Tháng 1/2017 – Tháng 6/2022. Số liệu được nhập và xử lý nhờ phần mềm SPSS 26.0. Tỷ lệ phần trăm so sánh tỷ lệ phần trăm tính bằng test χ2, có sự khác nhau khi p<0,05. Tính giá trị trung bình và so sánh bằng T-test, tính trung vị có sự khác nhau khi p<0,05.

Kết quả cho thấy: Trung vị nồng độ AFP tại thời điểm tái phát là 11 (3-203). 19,3% bệnh nhân có nồng độ AFP ≥ 400 ng/mL. Tỷ lệ tái phát trong nhu mô gan chiếm 95%, 5% không khảo sát thấy tổn thương nhu mô gan. Tính chất u tái phát: tổn thương đa ổ chiếm 58%, 1 u chiếm 37%. Vị trí tái phát: Tổn thương tái phát rải rác nhu mô chiếm 52,9%, tái phát tại diện cắt là 9,7%, tái phát HPT cạnh diện cắt là 18,9%, HPT xa diện cắt là 13,4%. Tình trạng di căn: ghi nhận di căn ở 21,8% bệnh nhân trong đó 5% chỉ di căn ngoài gan, 16,8% vừa tái phát trong gan, vừa di căn ngoài gan. Vị trí di căn: Phổi chiếm tỷ lệ 6,7%, phúc mạc 6,7%, hạch ổ bụng 2,5%, Huyết khối 2,9%, xương 0,4%, di căn nhiều cơ quan 2,5%. Giai đoạn bệnh trước phẫu thuật chủ yếu là BCLC A (65,1%). Tỷ lệ xâm lấn mạch máu đại thể và vi thể lần lượt là 16% và 37,8%.

Đặc điểm tại thời điểm tái phát của nhóm bệnh nhân trong nghiên cứu: tái phát chủ yếu ở nhu mô gan trong đó tái phát đa ổ, rải rác trên nhiều hạ phân thuỳ chiếm đa số; tổn thương di căn ngoài gan ít gặp vì trong số bệnh nhân di căn ngoài gan, di căn phổi và phú mạc là chủ yếu; điều trị sau tái phát chủ yếu là TACE.

Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 538 Số 3 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ