SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của vệc thay đổi chiều cao cột nước và thời gian thực hiện đến hiệu quả sinh sản của ốc bươu đồng (Pila polita)

[19/05/2024 12:09]

Lớp Chân bụng Gastropoda là lớp có thành phần loài phong phú nhất, chiếm khoảng 75 - 80% số loài trong ngành động vật thân mềm hiện nay. Ở Việt Nam có khoảng 70.000 loài thuộc lớp chân bụng đang hiện hữu. Trong đó có khoảng 45.000 loài sống dưới nước ở cả 3 loại thủy vực nước mặn, lợ, ngọt. Đến nay, các nghiên cứu về sản xuất giống nhân tạo các loài thuộc lớp Chân bụng mới chỉ tập trung vào một số đối tượng có giá trị kinh tếcao như ốc hương, bào ngư, ốc nhảy và ốc đĩa. Các yếu tố môi trường bên ngoài (nhiệt độ, ánh sáng, hàm lượng oxy hòa tan, thức ăn, dòng chảy, mực nước và mùa vụ) kết hợp với yếu tố bên trong đóng một vai trò thiết yếu trong việc điều chỉnh sinh sản ở động vật thân mềm Chân bụng và có thể tương tác với nhau cũng như với các cơ chế nội tiết và thần kinh điều khiển hệ thống sinh sản. Những thay đổi của điều kiện môi trường dẫn đến sự thay đổi của cấu trúc sinh sản và có tác dụng kích thích màng tế bào thần kinh nội tiết kích thích quá trình đẻ trứng.

Các nghiên cứu đã chỉ  ra rằng chu kỳ  chiếu sáng, thay đổi nguồn nước và hàm lượng oxy hòa tan sẽ làm kích thích chức năng sinh sản, trong khi thức ăn và mùa vụ có tác dụng ức chế khả năng sinh sản của một số loài thuộc lớp Chân bụng; mặt khác, cường độ và thời gian chiếu sáng có tác dụng kích thích màng tế  bào thần kinh nội tiết tiết ra caudodorsal kích thích quá trình đẻ trứng hay nhiệt độ  là yếu tố  hạn chế  sự  phát triển của tinh trùng trong  quá trình  ngủ  đông  ởmột số  loài Chân bụng. Tỉ  lệ  ốc  cái tham gia sinh sản (21,1%) và tần suất sinh sản là 6,3 tổ, cao hơn so với giữ nguyên cột nước (3,3 tổ) hay giữ  nguyên cột nước kết hợp với phun mưa (3,7 tổ). Tăng 50% chiều cao cột nước sẽ thu được tỷ lệ ốc bươu đồng tham gia sinh sản, tần suất sinh sản và sức sinh sản cao hơn so với tăng 25% và 100% chiều cao cột nước. Việc xây dựng và từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất giống loài ốc này là rất cần thiết nhằm chủ động con  giống để  phát triển nghề  nuôi đối tượng này.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi thử nghiệm các phương pháp kích thích sinh sản khác nhau nhằm tìm ra phương thức kích thích sinh sản hiệu quả góp phần hoàn thiện quy trình sản xuất giống ốc bưu đen tại Cao Lãnh, Đồng Tháp.

1. Bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm được bố trí trong bể bạt nylon có kích thước (1m×1m×1 m) và được vệ sinh sạch trước khi sử dụng, có nền đáy bùn dày 1 - 2 cm, thí nghiệm được bố trí ngoài trời và được che  bởi lưới lan. Chiều cao cột nước trong bể trước khi kích thích sinh sản được duy trì ở mức 40 cm, lắp đặt hệ thống giá thể nổi vào bể, giá thể nổi được làm bằng tấm xốp với kích thước 0,2 × 0,3 m, trên mỗi tấm xốp bố trí hai chùm rễ cây lục bình. Ốc bố mẹ được chọn có kích thước 50,0 - 56,0 mm từ ao nuôi vỗ tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, khi ốc đạt thành thục sinh dục giai đoạn III, IV (được phân biệt bằng  hình  thức  giải  phẫu  và  dựa  vào  tiêu bản mô học của noãn sào và tinh sào của ốc bươu đồng).

Mật độ ốc được bố trí là 15 cặp/m2 (tỉ lệ đực:cái là 1:1), đặc điểm phân biệt ốc đực và cái dựa trên tháp ốc, gai giao cấu của ốc đực cùng với độ xoắn và thẳng của xúc tu khi ốc vận động ốc được kích thích sinh sản định kỳ 2 lần/tháng (chu kỳ triều vào ngày 14 - 16 và 30 - 02 âm lịch, khoảng thời gian giữa 2 đợt kích thích sinh sản là 15 ngày), thực hiện trong thời gian 2,5  tháng. Hệ thống phun mưa nhân tạo được lắp đặt để phun nước theo thời gian qui định, thời gian phun mưa bắt đầu lúc 17 giờ chiều và kết thúc vào 7 giờ sáng hôm sau.

Thí nghiệm được bố trí với 6 nghiệm thức và mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần như sau: 

1) Tăng 50% nước, kết hợp với phơi trong bóng râm 2 giờ (20 cm; A50-2h);

2) Tăng 50% nước, kết hợp với  phơi trong bóng râm 3 giờ (20 cm; A50-3h); 

3) Tăng 50% nước, kết hợp với phơi trong bóng râm 4 giờ (20 cm; A50-4h);

4) Giảm 75% nước, kết hợp với phơi trong bóng râm 2 giờ (10 cm; D75-2h); 

5) Giảm 75% nước, kết hợp với phơi trong bóng râm 3 giờ (10 cm; D75-3h) 

6) Giảm 75% nước, kết hợp với phơi trong bóng râm 4 giờ (10 cm; D75-4h). Ốc bươu đồng được phơi trong bóng râm theo thời gian tương ứng với từng nghiệm thức.

2. Các chỉ tiêu theo dõi

2.1. Yếu tố môi trường

Nhiệt độ được đo bằng nhiệt kế vào lúc 7 giờ và 14 giờ hàng ngày. Các chỉ tiêu đánh giá chất lượng nước như: hàm lượng oxy hòa tan, NH3/NH4-(TAN),  NO2-, độ kiềm và pH được xác định hàng ngày bằng bộ test SERA.

2.2. Chỉ tiêu sinh học

Tỷ lệ sống của ốc đực và cái (%):(N2×100)/N1; Trong đó: N1: Số cá thể thả ban đầu của ốc đực, cái (con); N2: Số cá thể tại thời điểm thu mẫu của ốc đực, cái (con).

Tỷ lệ ốc tham gia sinh sản: Số tổ trứng thu được/Tổng số con cái × 100.

Các số liệu sinh học: Về chiều dài của tổ trứng (được xác định từ điểm không tiếp xúc với giá thể  đẻ  trứng và dài nhất), chiều rộng (được xác định từ  điểm không tiếp xúc với giá thể đẻ trứng và rộng nhất), chiều cao (được xác định từ  điểm tiếp xúc với giá  thể  đẻ  trứng lên trên), khối lượng, thể  tích tổ  trứng (Chiều dài + chiều cao + chiều rộng) × 1000; cm3),  số hạt trứng/tổ (mỗi tổ trứng tách ra 5 hạt trứng để cân khối lượng của từng hạt trứng, sau đó cân khối lượng của tổ trứng và suy ra số hạt trứng/tổ trứng); đường kính hạ  trứng (dùng thước kẹp đo ở nơi rộng nhất của hạt trứng) và khối lượng hạt trứng được thu thập sau 12 giờ  từ  khi phát hiện tổ  trứng trong bể kích thích sinh sản.

Sức sinh sản tổ trứng (tổ trứng/m2): Tổng số tổ trứng trong 1 m2 bể nuôi vỗ.

Sức sinh sản hạt trứng (hạt trứng/tổ trứng): Tổng số hạt trứng trong mỗi tổ trứng mà ốc cái sinh sản.

Tần suất sinh sản (tổ trứng/ngày/m2): Số tổ trứng ốc cái sinh ra trong một ngày/m2 bể nuôi vỗ.

Thời gian xuất hiện tổ trứng (giờ): Được xác định từ khi ốc cái được kích thích đến khi ốc cái đẻ tổ trứng đầu tiên.

Tỷ lệ nở của tổ trứng được xác định: Số ốc con (con)/Số hạt trứng (hạt) × 100.

Thời gian ốc con xuất hiện đầu tiên (ngày): Thời gian tổ trứng được ấp đến khi xuất hiện ốc con đầu tiên.

Thời gian nở (ngày): Thời gian tổ trứng được ấp đến khi tổ trứng nở ra ốc con hoàn toàn.

Tốc độ nở (ngày): Thời gian tổ trứng nở  hết (ngày) -  Thời gian xuất hiện ốc con đầu tiên (ngày).

2.3. Phương pháp xử lý số liệu

Sử dụng phần mềm Excel 2019 để tính các giá trị trung bình, độ  lệch chuẩn các số liệu thu thập  được. Phân tích ANOVA một nhân tố trong phần mềm SPSS 22.0 được sử dụng để  so sánh thống kê các giá trị trung bình giữa các nghiệm thức ở mức P <0,05 bằng phép thử  Duncan. Các số liệu có đơn vị phần trăm (%) được chuyển đổi arcsin trước khi xử lý thống kê.

3. Kết luận

Tỉ lệ sống của ốc bươu đồng kích thích sinh sản bằng phương pháp tăng 50% hoặc giảm 75% chiều cao cột nước kết hợp phơi trong bóng râm 2 giờ cao hơn so với kết hợp phơi trong bóng râm 4 giờ. Tăng 50% hay giảm 75% chiều cao cột nước  trong bể  nuôi  kết hợp phơi trong bóng râm 3 giờ  dẫn đến tỉ  lệ ốc bươu đồng tham gia sinh sản, tần suất sinh sản và sức sinh sản cao hơn so với các phương pháp kích thích sinh sản khác.

Các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng trứng ốc và kích thước ốc con mới nở  không chịu  ảnh hưởng của các phương pháp kích thích sinh sản khác nhau. Có thể ứng dụng kết quả  từ nghiên cứu này trong thực tế để nâng cao tỉ lệ ốc bươu đồng tham gia sinh sản, tần suất sinh sản và sức sinh sản của ốc bươu đồng.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp - Trường ĐH Nông Lâm – Đại học Huế (tập 7, số 1, năm 2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài