Nghiên cứu kỹ thuật giâm hom tre điền trúc (Dendrocalamus latiflorus MUNRO)
Tre điền trúc hay còn gọi là tre Đài Loan có tên khoa học là Dendrocalamus latiflorus Munro, thuộc họ hòa thảo Poaceae, giống tre dùng làm vật liệu xây dựng và lấy măng làm thức ăn cho con người, hình thái được mô tả cụ thể Stapleton, là loại cây phổ biến tại Việt Nam, được nhiều địa phương như Quảng Nam, Lâm Đồng, Bắc Giang… xác định là cây trồng có giá trị kinh tế cao và phù hợp với các điều kiện sinh thái khác nhau.
Theo thống kê, cả nước hiện có 34 tỉnh, thành xây dựng mô hình trồng và phát triển tre lấy măng với tổng diện tích đạt hơn 4.070 ha. Diện tích rừng trồng tre nứa ở Việt Nam là hơn 81.500 ha và không ngừng tăng qua đối với các giống tre trồng lấy măng, trong đó tre điền trúc là một trong những giống chủ lực, vì vậy nhu cầu nguồn giống là rất cao. Mặc dù tre điền trúc được trồng phổ biến trên khắp đất nước, tuy nhiên diện tích trồng không tập trung, diện tích các vùng trồng chưa lớn, do lượng cây giống còn hạn chế, các kết quả nghiên cứu về biện pháp kỹ thuật nhân giống chưa được công bố nhiều.
Nhân giống tre điền trúc nói chung và các giống tre lấy măng nói riêng thường bằng phương pháp truyền thống là từ thân ngầm nên hệ số nhân thấp và khó khăn trong công tác vận chuyển. Cây tre là thực vật có thể nhân giống được nhiều bộ phận như thân, cành, bằng hạt. Để thuận tiện trong vận chuyển và hệ số nhân cao người ta thường chọn cành để nhân gống. Tuy nhiên lựa chọn tuổi cành và kích thước cành như thế nào cho phù hợp cũng là điều cần phải nghiên cứu. Sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng như auxin trong nhân giống cây trồng đã được các nhà khoa học ghi nhận rộng rãi. Việc sử dụng chất điều hòa sinh trưởng để nhân hom giống tre Bambusa balcooa đã được áp dụng, việc nuôi cấy mô đỉnh sinh trưởng để loại bỏ virus trong cây giống cũng đã được áp dụng, các loại cây trồng khác như cúc và gấc cũng được áp dụng khá phổ biến, tuy nhiên, loại auxin và nồng độ xử lý phù hợp với loàitre lấy măng (D. latiflorus) chưa được công bố nhiều, đặc biệt tại địa phương Thừa Thiên Huế vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, trong khi nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu tre lấy măng tại đây là rất lớn. Xuất phát từ thực tế đó, nghiên cứu biện pháp kỹ thuật nhân giống tre lấy măng tại Thừa Thiên Huế, nhằm xác định được các biện pháp kỹ thuật phù hợp để nhân giống tre điền trúc tại địa phương chủ động được nguồn giống.
1. Nội dung nghiên cứu
Nghiên cứu tập trung vào các loạiauxin, nồng độ auxin, tuổi cành và đường kính cành làm hom giống, các công thức phối trộn giá thể đến khả năng nhân giống tre điền trúc tại Thừa Thiên Huế.
2. Vật liệu nghiên cứu
Giống tre được thu tại rừng tre điền trúc 12 năm tuổi đã khai thác ổn định tại phường Hương Thọ, thành phố Huế cành lấy làm giống là cành dài 3 mắt. Các loại Auxin: NAA, IBA, IAA dạng tinh khiết 98% (Nguyễn Đình Thi và cs., 2014). Hỗn hợp giá thể đóng bầu: Đất thịt nhẹ, phân chuồng ủ hoai mục, trấu hun và rễ bèo tây khô, lân supe.
3. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu ảnh hưởng của loại Auxin và nồng độ auxin đến khả năng nhân giống: Thí nghiệm được bố trí theo kiểu ô lớn ô nhỏ hoàn toàn ngẫu nhiên, 12 công thức, 3 lần nhắc lại. Các công thức là tổ hợp của 3 loại auxin (IAA, NAA, IBA) và 4 nồng độ (0, 300, 600 và 900 ppm). Mỗi lần nhắc lại ở từng công thức giâm 10 cành bánh tẻ có đường kính 1 đến 1,5 cm, nhúng cành trong dung dịch auxin 2 phút, nền giâm cành gồm 69% đất thịt nhẹ, 20% phân chuồng ủ hoai mục, 10% trấu hun, 1% lân supe.
Phương pháp nghiên cứu ảnh hưởng của tuổi cành và đường kính cành đến khảnăng nhân giống: Thí nghiệm được bố trí theo kiểu ô lớn ô nhỏ hoàn toàn ngẫu nhiên, 12 công thức, 3 lần nhắc lại. Các công thức là tổ hợp của 3 tuổi cành (cành non: 3 tháng tuổi; cành bánh tẻ: 1 năm tuổi, và cành già: 2 năm tuổi) và 4 loại đường kính cành (< 1 cm, 1 đến 1,5 cm, 1,5 đến 2 cm và > 2 cm). Mỗi lần nhắc lại ở từng công thức giâm 10 cành, chọn nồng độ và loại auxin tốt nhất từ thí nghiệm 1, nền giâm cành gồm 69% đất thịt nhẹ, 20% phân chuồng ủ hoai mục, 10% trấu hun, 1% lân supe.
Phương pháp nghiên cứu ảnh hưởng của các hỗn hợp giá thể đến khả năng nhân giống: Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên, 5 công thức, 3 lần nhắc lại gồm: Công thức I: 69% đất thịt nhẹ, 20% phân chuồng ủ hoai mục, 10% trấu hun, 1% lân supe; Công thức II: 69% đất thịt nhẹ, 20% phân chuồng ủ hoai mục, 10% rễ bèo tây khô, 1% lân supe; Công thức III: 69% đất thịt nhẹ, 10% phân chuồng ủ hoai mục, 20% trấu hun, 1% lân supe; Công thức IV: 69% đất thịt nhẹ, 10% phân chuồng u hoai mục, 20% rễ bèo tây khô, 1% lân supe; Công thức V: 69% đất thịt nhẹ, 10% phân chuồng ủ hoai mục, 10% trấu hun, 10% rễ bèo tây khô, 1% lân supe. Mỗi lần nhắc lại ở từng công thức giâm 10 cành bánh tẻ có đường kính 1 đến 1,5 cm, chọn nồng độ và loại auxin tốt nhất từ thí nghiệm 1. Địa điểm tại Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ Nông nghiệp, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.
Các chỉ tiêu theo dõi và phương pháp theo dõi
Các chỉ tiêu theo dõi gồm: Thời gian hoàn thành các giai đoạn sinh trưởng; Tỉ lệ sống; Khả năng sinh trưởng: Cao chồi chính, số đốt chồi chính, tổng số cành, tổng số lá, kích thước lá.
Phương pháp theo dõi: Mỗi ô thí nghiệm theo dõi toàn bộ các cành giâm. Các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển theo dõi trên các cây vào giai đoạn cây thành phẩm.
Phương pháp xử lí số liệu: Số liệu trung bình được xử lý bằng phần mềm Microsoft Excel 2010. Các số liệu về tỉ lệ % được chuyển qua arcsin (sqrt) trước khi phân tích phương sai. Các số liệu được phân tích phương sai một nhân tố (One way ANOVA) và so sánh Tukey HSD bằng phần mềm xử lý thống kê Statistix 10.0.
4. Kết luận
Hom giống cây tre giống tre điền trúc, cành lấy làm giống là cành 1 năm tuổi. Loại auxin phù hợp đối với phương pháp giâm cành cây tre điền trúc là IBA có nồng độ 900 ppm. Khi xử lí hom giống ở nồng độ này 2 phút trước khi giâm giúp hom giống có thời gian xuất vườn ngắn nhất 45 ngày sau khi giâm, tỉ lệ sống đạt đạt 93,3%. Loại hom thích hợp nhất để đem giâm là hom 1 năm tuổi có kích thước lớn hơn 1,5 cm. Thành phần giá thể bầu thích hợp nhất là: 69% đất, 20% phân chuồng, 10% than trấu hoặc rễ bèo tây phơi khô, 1% lân supe.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp - Trường ĐH Nông Lâm – Đại học Huế (tập 7, số 3, năm 2023)