SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu thời gian và đánh giá kết quả điều trị tái thông bằng phương pháp tiêu sợi huyết ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp tại Bệnh Viện Đa Khoa Trung Ương Cần Thơ từ năm 2022 đến năm 2024

[20/05/2024 13:58]

Nghiên cứu nhằm đánh giá kết quả điều trị tái thông và các yếu tố ảnh hưởng ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp tại Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ từ 2022 đến 2024.

Trong điều trị nhồi máu não cấp, chiến lược tiêu sợi huyết giúp giảm được tỷ lệ tử vong và tàn phế qua một số nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, đa trung tâm, so sánh với giả dược, điển hình là các thử nghiệm NINDS (1995) ở Hoa Kì và ECASS 3 (2008) ở châu Âu. Tuy nhiên, cho đến nay còn nhiều bệnh nhân không được hưởng lợi từ việc điều trị này do có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thời gian cấp cứu trước viện. Bên cạnh đó, thời gian từ lúc vào viện đến khi bệnh nhân được điều trị tái thông cũng ảnh hưởng đến kết cục điều trị. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện khảo sát đánh giá các yếu tố trước và sau nhập viện khi có đột quỵ nhồi máu não cấp xảy ra, trên cơ sở đó để ra chương trình giáo dục hữu hiệu cho cộng đồng và nâng cao sự hợp tác giữa các nhân viên y tế. Đột quỵ não hiện nay là vấn đề thời sự của y học và xã hội hiện đại vì tỷ lệ tử vong ngày càng cao, đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch, ung thư và là nguyên nhân thường gặp nhất gây tàn phế khác tại các nước phát triển. Riêng tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y Tế năm 2022, đột quỵ là bệnh không lây nhiễm thường gặp với khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ hàng năm.

Đối tượng nghiên cứu:

 Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não cấp được điều trị tái thông bằng tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch tại khoa Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 7 năm 2024.

Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện thỏa tiêu chuẩn chọn bệnh và tiêu chuẩn loại trừ trong thời gian nghiên cứu.

- Nội dung nghiên cứu:

 Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu bao gồm tuổi, giới tính, nơi cư trú. Các mốc thời gian khảo sát đơn vị tính bằng phút bao gồm thời gian khởi phát – nhập viện, thời gian nhập viện – thăm khám, thời gian cửa kim, thời gian khởi phát – điều trị. Các yếu tố liên quan đến thời gian điều trị tái thông của bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp chia thành 2 nhóm yếu tố trước viện và yếu tố trong viện. Yếu tố trước viện được khảo sát bao gồm phương tiện vận chuyển và tiền sử bệnh bao gồm đái tháo đường, tăng huyết áp, rung nhĩ và đột quỵ cũ. Yếu tố trong viện được đánh giá qua thang điểm NIHSS (≤4 điểm, 5-25 điểm và >25 điểm) tại thời điểm xuất viện.

 Kết quả chung sau điều trị chia thành 3 nhóm tốt, trung bình và kém. Về đánh giá một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị tiêu sợi huyết thông qua phương tiện vận chuyển và tiền sử bệnh.

Đa số bệnh nhân ≥ 65 tuổi, nam chiếm 67,4%. Tiền sử bệnh tăng huyết áp chiếm 86,1%. Đánh giá kết quả chung: tốt chiếm tỷ lệ cao nhất 41,9%, trung bình và kém lần lượt là 34,9% và 23,3%. Nhóm đối tượng có tiền sử tăng huyết áp có kết quả tốt ưu thế hơn so với nhóm không có tiền sử tăng huyết áp (45,9% và 16,7%) (p =0,028). Đối tượng chọn xe cấp cứu có kết cục tốt – trung bình (90,9%) cao hơn so với chọn xe nhà (76,7%) và xe công cộng (0%), khác biệt có ý nghĩa thống kê (p = 0,03).

Trung bình thời gian khởi phát – nhập viện 165,09 ± 50,14, nhập viện – thăm khám 24,21 ± 24,76, cửa – kim 62,26 ± 52,17, khởi phát – điều trị 227,35 ± 68,50. Kết cục tốt sau điều trị chiếm tỷ lệ cao 41,9%. Phương tiện vận chuyển và tăng huyết áp là hai yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị chung.

Tạp chí y dược học Cần Thơ,Số 70/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ