Nghiên cứu ảnh hưởng của các công thức bón phân đến năng suất và chất lượng của cây rau má (Centella asiatica L.)
Cây rau má (Centella asiatica L.) thuộc họ Hoa tán (Apiaceae), là một loại rau ăn lá phổ biến tại Việt Nam. Ngoài việc được sử dụng làm rau, cây rau má còn được sử dụng như là một cây thuốc trong y học cổ truyền của nhiều quốc gia châu Á để điều trị một số bệnh như các bệnh ngoài da, làm liền vết thương, giải nhiệt, giải độc cơ thể. Cây rau má có chứa nhiều hợp chất thứ cấp liên quan đến dược tính của cây, chủ yếu là nhóm hợp chất phenolic, flavonoid và terpenes. Trong đó, flavonoid là một hợp chất polyphenol đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của cây và có tác dụng bảo vệ cây trước những sự thay đổi của môi trường cũng như sự tấn công của dịch hại.
Ảnh minh họa
Hàm lượng các chất thứ cấp trong cây khác nhau do ảnh hưởng của các yếu tố như loại cây, ánh sáng, nhiệt độ, chế độ chăm sóc và phân bón. Trong đó, phân bón là một yếu tố canh tác quan trọng ảnh hưởng đến hàm lượng các hợp chất thứ cấp của cây và từ đó ảnh hưởng đến chất lượng của nông sản. Việc sử dụng phân bón hữu cơ làm tăng hàm lượng phenolic trong cây atiso. Các chế độ bón phân khác nhau ảnh hưởng đến hàm lượng cucurmin trong cây nghệ. Ảnh hưởng của phân bón lá hữu cơ trên cây rau má và kết luận rằng loại phân này làm tăng hàm lượng terpenoid trong cây.
Tại Thừa Thiên Huế, cây rau má là một cây trồng chủ lực tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền với diện tích khoảng 70 ha. Cây rau má ở đây ngoài việc sử dụng để làm rau tươi còn được chế biến làm trà và cao rau má, cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, việc sử dụng phân hóa học cho cây rau má còn chưa được cân đối và hợp lý, gây ảnh hưởng đến chất lượng của cây rau má cũng như sức khỏe của người sử dụng. Vì vậy, việc nghiên cứu để đưa ra công thức bón phân hợp lý đảm bảo năng suất và chất lượng cho cây rau má là rất cần thiết.
1. Vật liệu nghiên cứu
Cây rau má được thu thập tại làng La Vân Thượng, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Thí nghiệm sử dụng các loại phân sau: phân hữu cơ vi sinh sông Gianh (thành phần cơ bản gồm: 30% độ ẩm, 15% hữu cơ, 2,5% axit humic, 1% trung lượng Ca và các chủng vi sinh vật hữu ích); phân đạm ure (46% N), phân kali clorua (60% K2O), phân lân supe (16% P2O5), vôi bột.
2. Phương pháp nghiên cứu
Thí nghiệm được tiến hành trên đất trồng màu tại làng La Vân Thượng, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế trong vụ Đông Xuân (từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021). Thí nghiệm gồm 4 công thức sau:
- CTI: không bón phân (đối chứng)
- CTII (bón phân hóa học theo công thức của nông dân, không sử dụng phân hữu cơ): 150 kg N/ha + 50 kg P2O5/ha + 50 kg K2O/ha.
- CTIII: 10 tấn phân hữu cơ vi sinh/ha
- CTIV (giảm một nửa lượng phân hóa học ở CTIII, dùng kết hợp phân hữu cơ): 5 tấn phân hữu cơ vi sinh + 75 kg N/ha + 25 kg P2O5/ha + 25 kg K2O/ha.
Bố trí thí nghiệm được thực hiện theo khối hoàn toàn ngẫn nhiên (RCBD) với 3 lần nhắc lại. Diện tích mỗi ô thí nghiệm là 40 m2. Cây rau má con có 5 lá thật được trồng với khoảng cách 10×10 cm. Phân hữu cơ và phân lân được bón lót trước khi trồng 14 ngày. Các loại phân hóa học còn lại được chia thành 3 lần bón vào thời điểm 10, 20 và 30 ngày sau trồng. Do cây rau má trồng trong vụ Đông Xuân có đặc điểm sinh trưởng rất nhanh vì vậy các lần bón phân phải sắp xếp gần nhau để có thể đánh giá được năng suất từ lần thu hoạch đầu tiên.
Phân tích các chỉ tiêu hóa tính của đất được thực hiện tại Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế theo phương pháp như sau: pHKCl (pH met, tỷ lệ 1:5), OC (Wakley Black), N tổng số (Kjeldahl), lân tổng số: so màu quang điện, lân dễ tiêu: Oniani; kali tổng số và dễ tiêu: quang kế ngọn lửa.
Các chỉ tiêu nghiên cứu được đo ở thời điểm thu hoạch, gồm có: tổng số lá (được tính bằng cách đếm số lá trên cây); diện tích lá (LA: Leaf Area) = Chiều dài lá x Chiều rộng lá × 0,75 × Số lá trên cây (m2 lá/cây) theo Montgomery (1911); chiều dài cuống lá (đo chiều dài cuống lá của lá xuất hiện đầu tiên); các chỉ tiêu về năng suất gồm năng suất lý thuyết (tấn/ha) và năng suất thực thu (tấn/ha); hiệu quả kinh tế (triệu đồng/ha) được tính ở lần thu hoạch đầu tiên. Khối lượng khô được xác định sau khi sấy mẫu cây ở nhiệt độ 80oC trong 3 ngày. Khối lượng tươi được xác định bằng cân vào thời điểm thu hoạch (40 ngày sau trồng). Mỗi lần nhắc lại lấy 10 cây ngẫu nhiên để đo các chỉ tiêu nghiên cứu này. 100 gam lá rau má tươi của mỗi lần nhắc lại được sử dụng để xác định hàm lượng nitrat theo phương pháp so màu trên máy đo quang phổ.
Tại thời điểm thu hoạch, phần lá và cuống của cây rau má tươi được thu cắt (1 kg cho mỗi lần nhắc lại), sau đó đem đi sấy bơm nhiệt trong 90 phút. Mẫu cây sấy xong được lưu trữ và vận chuyển đến phòng thí nghiệm để phân tích hàm lượng flavonoid.
Xác định hàm lượng flavonoid theo phương pháp của Zhishen và cs. tại Trung tâm kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh. Thí nghiệm sử dụng chất chuẩn để xây dựng đường tuyến tính là quercetin và kết quả được thể hiện bởi miligam quercetin (mg QE/g) nguyên liệu khô.
Số liệu được tính trung bình bằng phần mềm Excel 2019, phân tích ANOVA 1 nhân tố và LSD0,05 bằng phần mềm Statistix 10.0.
3. Kết luận
Các công thức bón phân cho cây rau má trong thí nghiệm đều cải thiện các tính chất hóa học của đất, làm tăng sinh trưởng, năng suất và chất lượng cây rau má. Trong đó, bón phân cho cây rau má với liều lượng 5 tấn phân hữu cơ vi sinh + 75 kg N + 25 kg P2O5+ 25 kg K2O cho sinh trưởng, năng suất và các chỉ tiêu chất lượng cao nhất. Năng suất thực thu đạt 22,7 tấn/ha, hiệu quả kinh tế thu được 136,3 triệu đồng, tỷ lệ vật chất khô đạt 40,5%, hàm lượng nitrat 120 mg/kg và hàm lượng flavonoid tổng số đạt 18,5 mg QE/g. Bón phân hữu cơ với liều lượng 10 tấn phân hữu cơ vi sinh/ha cho năng suất đạt 17,9 tấn/ha và hiệu quả kinh tế đạt 98,1 triệu/ha, thấp hơn công thức có bón phân hóa học nhưng lại cho hàm lượng flavonoid cao nhất (20,3 mg QE/g DW) và hàm lượng nitrat thấp nhất trong các công thức (100 mg/kg). Như vậy, bước đầu chúng tôi đề xuất bón phân với công thức 5 tấn phân hữu cơ vi sinh + 75 kg N + 25 kg P2O5+ 25 kg K2O cho cây rau má để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, đồng thời đảm bảo chất lượng cho cây rau má.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp - Trường ĐH Nông Lâm – Đại học Huế (tập 7, số 3, năm 2023)