SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm mô bệnh học niêm mạc dạ dày ở bệnh nhi viêm, loét dạ dày – Tá tràng có nhiễm helicobacter pylori

[21/05/2024 11:05]

Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ tổn thương mô bệnh học niêm mạc dạ dày và một số yếu tố liên quan ở bệnh nhi viêm, loét Dạ dày – Tá tràng có nhiễm helicobacter pylori.

Vi khuẩn Helicobacter Pylori là tác nhân hàng đầu gây ra bệnh lý đường tiêu hóa trên như viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày-tá tràng (DD-TT) và ung thư dạ dày. Chẩn đoán viêm, loét dạ dày-tá tràng có nhiễm H. pylori cần dựa vào nội soi tiêu hóa trên và xét nghiệm mô bệnh học mảnh sinh thiết niêm mạc dạ dày. Trong đó, xét nghiệm mô bệnh học đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán tổn thương viêm niêm mạc và nhiễm H. pylori. Ung thư biểu mô dạ dày xuất hiện sau các tổn thương tiền ung thư. Thay đổi mô bệnh học đầu tiên được công nhận là tình trạng viêm mạn tính hoạt động, có thể kéo dài như viêm dạ dày mạn tính không teo, hoặc tiến tới viêm teo niêm mạc dạ dày - tổn thương tiền ung thư, tiếp theo là dị sản ruột, nghịch sản và ung thư biểu mô xâm lấn. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới. Việc phát hiện tổn thương viêm dạ dày mạn tính do vi khuẩn H. pylori ở giai đoạn trẻ em là thật sự cần thiết.

Đối tượng nghiên cứu

 Nghiên cứu được thực hiện trên 110 bệnh nhi từ 6-16 tuổi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ với chẩn đoán viêm, loét DD-TT tháng 01/2021 đến tháng 01/2023.

 - Tiêu chuẩn chọn bệnh: Biểu hiện triệu chucnwgs lâm sàng viêm, loét DD-TT, được chỉ định nội soi tiêu hóa trên và chẩn đoán nhiễm H. pylori dựa trên xét nghiệm urease nhanh và mô bệnh học.

- Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhi sử dụng thuốc kháng sinh trong vòng 4 tuần và thuốc ức chế bơm proton trong vòng 2 tuần trước nội soi, không đồng ý tham gia nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: mô tả cắt ngang.

 Nội dung nghiên cứu: Khám lâm sàng thu thập các triệu chứng bệnh nhi viêm, loét DD-TT có nhiễm H. pylori.

Nội soi tiêu hóa trên: chẩn đoán tổn thương trên nội soi dựa trên hệ thống phân loại Sydney 1990 bao gồm viêm phù nề, sung huyết, viêm xuất huyết, viêm dạng nốt và viêm teo. Đồng thời bác sĩ sẽ thu thập các mảnh sinh thiết niêm mạc dạ dày (01 mảnh ở hang vị xét nghiệm urease nhanh, 01 mảnh ở hang vị để xét nghiệm mô bệnh học và 02 mảnh (01 ở thân vị và 01 ở hang vị) cho nuôi cấy H. pylori.

 Xét nghiệm mô bệnh học: lấy mảnh sinh thiết niêm mạc dạ dày ở hang vị cho vào lọ đựng dung dịch formol 10%, sau đó chuyển đến Bộ môn Giải phẫu bệnh, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thực hiện làm xét nghiệm. Chẩn đoán nhiễm H. pylori và tổn thương viêm trên tiêu bản nhuộm Giemsa và HE. Xác định mật độ nhiễm H. pylori theo thang nhìn của hệ thống phân loại Sydney cập nhật, bao gồm 3 mức độ: ít, vừa và nhiều. Phân loại tổn thương viêm theo tiêu chuẩn của Hệ thống phân loại Syney cập nhật bao gồm Viêm mạn tính hoạt động, viêm teo, dị sản ruột

 Phương pháp xử lý số liệu: xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0, các biến liên tục mô tả giá trị trung bình và độ lệch chuẩn, các biến phân loại được mô tả dưới dạng các tần số, tỷ lệ phần trăm. So sánh sự khác biệt về tỷ lệ giữa các nhóm nghiên cứu bằng các thuật toán thống kê: tỷ suất chênh OR và kiểm định bằng phép kiểm chi bình phương (Pearson Chi-Square Test) đánh giá sự khác biệt về tỷ lệ của một thông số giữa 2 nhóm, nếu cỡ mẫu so sánh < 0,05.

Ở bệnh nhi nhiễm H. pylori, mật độ vi khuẩn H. pylori ít chiếm ưu thế 63,6%, vừa là 21,8% và nhiều là 14,5%. 100% bệnh nhi viêm, loét dạ dày tá tràng có nhiễm H. pylori có tổn thương viêm mạn tính trên mô bệnh học. Trong đó, viêm mạn tính hoạt động chiếm đa số 77,3%, viêm teo chiếm 14,5% và dị sản ruột chiếm 0,9%.

Bệnh nhi viêm, loét DD-TT nhiễm H. pylori có tổn thương mô bệnh học niêm mạc dạ dày thường gặp là viêm mạn tính hoạt động, viêm teo và dị sản ruột ít gặp hơn. Không có mối liên quan giữa mật độ H. pylori với tổn thương viêm mạn tính hoạt động, viêm teo, giới tính, nhóm tuổi và các biểu hiện lâm sàng.

Tạp chí y dược học Cần Thơ, Số 71/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ